Phát hiện cách virus cúm gà giết người
Nhóm các nhà khoa học quốc tế ở TP Hồ Chí Minh đã phát hiện ra cách virus H5N1 giết người như thế nào và mở ra triển vọng phòng chống hiệu quả hơn dịch bệnh có nguy cơ hủy diệt hàng loạt này.
Các bác sỹ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phối hợp với các nhà khoa học quốc tế tiến hành so sánh 18 nạn nhân cúm gà với người mắc virus cúm thông thường trong hai năm 2004 và 2005.
Kết quả về cơ chế hoạt động của virus H5N1 và virus cúm thông thường trên các bệnh nhân được đăng trên tạp chí Y học Tự nhiên (Nature Medicine) hôm thứ Hai vừa qua. Công bố này lập tức gây chấn động giới khoa học quốc tế.
Tập trung ở họng và lan tràn khắp nơi
Phát hiện có ý nghĩa đầu tiên là tìm thấy khu vực trong cơ thể mà virus H5N1 tập trung nhiều nhất. Các xét nghiệm cho thấy, virus H5N1 tụ tập với mật độ cao nhất trong họng bệnh nhân.
Trước đây từng xảy ra hiện tượng lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân từ nhớp mũi để tìm virus H5N1 và kết quả là không ít trường hợp để lọt hoặc phát hiện muộn.
Phát hiện quan trọng thứ hai là cơ chế hoạt động khác thường của virus H5N1. Một mặt, virus H5N1 có khả năng tự nhân lên gấp bội với mức độ cao hơn so với virus cúm thường. Chúng thâm nhập vào đường máu rồi lan tỏa nhanh ra khắp các bộ phận cơ thể.
Người ta tìm thấy virus H5N1 trong máu của ít nhất 9 người. Thậm chí, họ còn thấy H5N1 cả trong ruột của hầu hết bệnh nhân, nhất là số nạn nhân tử vong. Điều đó cho thấy, virus H5N1 có thể luồn lách từ hệ thống hô hấp qua đường máu để đến hệ thống tiêu hóa. Ngược lại, trong số 8 bệnh nhân mắc cúm thông thường, không tìm thấy virus cúm trong máu cũng như trong hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khi virus H5N1 tràn ngập các bộ phận cơ thể, hệ miễn dịch của nạn nhân buộc phải phản ứng bằng cách tạo ra các đáp ứng chống viêm trên diện rộng.
Thông thường, khi viêm nhiễm, hệ miễn dịch của cơ thể chỉ đạo các mạch máu tiết ra hóa chất và tế bào máu vào vùng bị viêm nhiễm để chống lại kẻ đột nhập. Các hóa chất đó là một loại protein mang tên cytokine (tạm dịch là tế bào động lực), theo Menno de Jong (Khoa Nghiên cứu Lâm sàng, Đại học Oxford), hợp tác với Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, và là trưởng nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu việc tiết này diễn ra quá mức cần thiết, sẽ là nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hàm lượng cytonkine rất cao trong những bệnh nhân nhiễm H5N1 và đặc biệt cao ở bệnh nhân tử vong do H5N1.
Ngược với sự gia tăng bất thường cytonkine, các lymphocytes (dạng của tế bào bạch cầu) lại bị suy giảm nghiêm trọng ở các mạch máu ngoại biên. Tóm lại, chính sự tập trung quá mức một cách bất thường virus trong một khu vực làm bùng phát sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, khiến cho bệnh nhân tử vong. Sự đáp trả quá mức này và sự lây lan ra các bộ phận khác của cơ thể, cộng với độc lực của virus, khiến cho bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Bằng chứng khẳng định thuốc kháng virus
Một trong những biện pháp để chặn đứng tốc độ tự nhân bản và lây lan chính là chẩn đoán và phát hiện sớm. Việc xác định virus H5N1 tập trung nhiều ở họng thay vì mũi, theo các bác sỹ, sẽ giúp rất nhiều cho công tác chẩn đoán và phát hiện sớm.
Phát hiện của các nhà khoa học quốc tế với công trình nghiên cứu ở Việt Nam còn giúp nảy sinh một hướng suy nghĩ mới trong sản xuất thuốc chống virus. Đó là cần có loại thuốc có thể giúp giảm tốc độ nhân lên của virus để tránh gây nguy hiểm cho phổi và ngăn cản nguy cơ đáp ứng viêm quá mức của cơ thể.
Điều đáng mừng là các thuốc kháng virus hiện có như Tamiflu, Relenza, hoặc Amantadine có khả năng giúp đáp ứng được mục tiêu trên. Chúng sẽ giúp làm giảm mật độ virus H5N1, hạn chế quá trình tự nhân đôi của virus và, từ đó, giúp ngăn chặn đáp ứng thái quá của hệ miễn dịch, nguyên nhân cuối cùng dẫn đến tử vong, Menno de Jong cho biết.
Tại Việt Nam, theo một quan chức của Cục Quản lý Dược, 4 Cty dược đạt tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế đang khẩn trương sản xuất thuốc Tamiflu theo bản quyền của hãng Roche, Thụy Sỹ.
Một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước sản xuất hoạt chất cho Tamiflu cũng đang được Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tiến hành. Nhánh nghiên cứu, tuy nhiên, tiến triển chưa được thuận lợi.