Phát hiện cây sáo 35.000 năm tuổi
Các nhà khảo cổ học Đức vừa khai quật được một chiếc sáo làm từ xương chim chôn dưới đất hơn 35.000 năm trước. Đây là dụng cụ âm nhạc thủ công cổ nhất được khám phá, tiết lộ một nền văn hóa sáng tạo và đồ sộ của châu Âu.
Các nhà khảo cổ học đến từ trường ĐH Tuebingen đã thu thập 12 mảnh ghép của chiếc sáo làm từ xương kền kền, đặt rải rác trong hang Hohle Fels, phía Nam nước Đức. Khi lắp ghép lại, chúng tạo thành một cây sáo dài 22 cm với 5 lỗ và một vết khắc hình chữ V. Trưởng nhóm khảo cổ học, Nicholas Conard cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi đây rõ ràng là dụng cụ âm nhạc “lớn tuổi” nhất thế giới”.
Chiếc sáo Hohle Fels này hoàn thiện hơn và “già” hơn 7 mảnh sáo làm từ ngà voi và xương khác được tìm thấy trong các hang động của Đức trong những năm vừa qua. Một cây sáo khác được khai quật ở Áo có tuổi đời 19.000 năm và một nhóm gồm 22 cây sáo tìm thấy ở núi Pyrenees, Pháp còn kém cây sáo Hohle Fels tới 5.000 năm tuổi.
Cùng thời điểm này, các nhà khoa học cũng khôi phục 6 mảnh của một bức tượng phụ nữ nhỏ làm từ ngà voi mà họ cho rằng đó là bức tượng hình người nhỏ nhất. Cây sáo và bức tượng, cùng tìm thấy ở một vị trí địa chất, cho thấy con người đã thiết lập một nền văn hóa tiên tiến ở châu Âu hơn 35.000 năm trước.
Theo các nhà khoa học, những thứ “trang trí” cho cuộc sống của con người lúc đó như dụng cụ âm nhạc, trang sức hay nghệ thuật biểu trưng, khá tương đồng với con người hiện đại.