Phát hiện "cây sau sân nhà" ở Samoa có thể giúp trị ung thư, Covid-19
Các nhà nghiên cứu cho biết lá của cây matalafi có thể được sử dụng để điều trị ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch và cả Covid-19.
Lá của một loại cây “có thể được tìm thấy sau sân nhà ở khắp Samoa" đạt tác dụng hiệu quả như ibuprofen trong việc giảm viêm và thậm chí có thể được sử dụng để điều trị các bệnh như Parkinson và ung thư, theo phát hiện trong nghiên cứu mới, Guardian đưa tin hôm 4/11.
Trong nhiều thế kỷ, lá của cây psychotria insularum - người dân địa phương ở Samoa gọi là matalafi - đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị chứng viêm liên quan đến sốt, đau nhức cơ thể, sưng tấy, phù chân voi và bệnh đường hô hấp.
Cây psychotria insularum hay còn gọi là matalafi.
Seeseei Molimau-Samasoni, tác giả của nghiên cứu mới đồng thời là người quản lý bộ phận thực vật và công nghệ sau thu hoạch tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học của Samoa, cho biết: “Khi thực hiện nghiên cứu, ban đầu tôi đã hoài nghi”.
“Có rất nhiều điều mê tín xung quanh loại cây này, đặc biệt là trong y học cổ truyền, nhưng tôi rất muốn tìm hiểu xem liệu có thể tìm kiếm giá trị khoa học cho các loại thuốc cổ truyền của người Samoa hay không”, tác giả Molimau-Samasoni nói.
“Bây giờ chúng tôi có thể khẳng định không chỉ tiềm năng của loại cây này trong vai trò chất chống viêm mà còn tiềm năng trong phương pháp điều trị ung thư, các bệnh thoái hóa thần kinh, tiểu đường, bệnh tim mạch cũng như Covid-19”, vị chuyên gia nói.
Phát hiện của bà Molimau-Samasoni và các đồng nghiệp đã được bình duyệt và sẽ được xuất bản trong chuyên đề của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
“Lá cây (matalafi) thường được xắt nhỏ, vắt lấy nước cốt. Những người chữa bệnh cổ truyền dùng nước cốt đó làm thức uống cho bệnh nhân. Đôi khi họ cũng dùng lá để xoa lên người bệnh hoặc đắp lên vết thương cần chữa lành”, bà Molimau-Samasoni nói, đồng thời cho biết thêm rằng gia đình bà cũng có truyền thống hành nghề trong lĩnh vực y học cổ truyền.
“Tôi lớn lên với bà ngoại và bà tôi là một người chữa bệnh theo y học cổ truyền”, Molimau-Samasoni kể lại. “Khi bà tôi qua đời, bà đã truyền lại các phương pháp điều trị của mình cho tôi, vì vậy tôi cũng có khả năng chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền”.
Molimau-Samasoni cũng thừa nhận có rất nhiều hoài nghi và do dự đối với y học cổ truyền.
“Thách thức giữa y học hiện đại và y học cổ truyền là việc mọi người chỉ tập trung vào một loại thuốc trước khi tìm kiếm loại thuốc kia, vì vậy có trường hợp mọi người tìm đến các phương pháp điều trị ung thư từ các thầy lang nhưng sau đó lại đến bệnh viện khi bệnh đã tới giai đoạn bốn, tức đã quá trễ để y học hiện đại có thể làm được bất cứ điều gì nữa”, bà Molimau-Samasoni nói.
“Và tôi cũng biết nhiều người cho rằng y học cổ truyền chỉ là chuyện người ta trộn các loại lá với nhau và dùng nó chỉ để tạo hiệu ứng giả dược, nhưng bạn cần nhớ rằng y học cổ truyền đã có những đóng góp đáng kể cho thế giới dược phẩm hiện đại, chẳng hạn như thuốc aspirin”.
Đối với matalafi, bà Molimau-Samasoni cho biết có thể sẽ mất nhiều năm trước khi loại thuốc này được đưa vào sử dụng chính thức nhưng bà cho rằng đó chỉ là bước khởi đầu, không chỉ đối với matalafi, mà còn với những nghiên cứu rộng hơn về cách các loại thuốc cổ truyền của Samoa có thể được sử dụng ngày nay.
- Hãi hùng cảnh thợ lặn đụng độ trăn Anaconda dài 7 mét dưới lòng sông
- Hà mã con lấy thân mình làm mồi nhử, bảo vệ mẹ khỏi sư tử háu đói
- Một "thế giới khác" ẩn mình ngay bên trong Trái đất