Phát hiện chất hiếm ở trầm hương bằng phương pháp thủy phân

Hai hợp chất hiếm Vetispirane và Guaiane sesquiterpenes trong tinh dầu trầm hương có công dụng y học và giá trị kinh tế cao. 

Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt sử dụng phương pháp thủy ngân để xác định hợp chất tinh dầu trầm hương vừa công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Processes của MDPI. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Việt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Nguyễn Tất Thành.


Nhiều địa phương ở Việt Nam có trồng cây trầm hương. (Ảnh: ST).

Các nhà khoa học lấy mẫu trầm hương giống A.Crassna được trồng tại ba tỉnh Bắc Giang, Khánh Hòa và Phú Quốc (Kiên Giang) để tiến hành thủy phân. Quá trình thủy phân các mẫu trầm hương này cho kết quả năng suất tinh dầu lần lượt là 0,32%; 0,27% và 0,25% (w/w). Bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS), các nhà khoa học đã tìm ra 44 hợp chất dễ bay hơi trong tinh dầu trầm.

Ngoài những hợp chất phổ biến có trong tinh dầu trầm hương, họ đã phát hiện lượng nhỏ hai hợp chất hiếm là Vetispirane và Guaiane sesquiterpenes. Vetispirane thường xuất hiện trong những loại thuốc lợi tiểu, giúp hạ kali trong máu. Hợp chất này trước đây hiện mới chỉ được tìm thấy trong cây trầm hương ở Trung Quốc. Guaiane sesquiterpenes là hợp chất có tác dụng chống lại các tế bào nấm gây bệnh và làm ức chế tế bào gây bệnh ung thư.

Trước đó, các phương pháp truyền thống như ép, chiết tách thông thường chỉ có thể tìm ra những nhóm axit béo và chất thơm. Hai hợp chất Vetispirane và Guaiane sesquiterpenes trong tinh dầu trầm hương có vai trò quan trọng trong việc góp phần tìm ra những loại thuốc mới, có giá trị y học và kinh tế cao.

Ngoài ra, việc kiểm chứng được hàm lượng lớn hợp chất neopetasane (7.47–8.29%), dihydrokaranone (2.63–3.59%), β-agarofuran (3.04–6.18%) và agarospirol (2.98–3.42%) cũng mở ra tương lai tinh dầu trầm hương sẽ được sử dụng làm hương liệu có giá trị thương mại hóa cao.

Trầm hương là một loài gỗ quý hiếm, tuy nhiên quy trình điều chế tinh dầu trầm ở Việt Nam còn thô sơ, đa số chỉ được bán ở dạng thô, không qua chế biến, làm mất đi giá trị kinh tế và y học của cây trầm hương. Do vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu về tính khả thi của phương pháp trong việc áp dụng rộng rãi tại những nơi sản xuất tinh dầu tại địa phương.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất