Phát hiện côn trùng cổ đại nhất thế giới
Các nhà khoa học tìm thấy xác nguyên vẹn của ba con côn trùng trong hổ phách tại Italy và họ cho rằng chúng là những côn trùng cổ xưa nhất trên trái đất.
>>> Tình cờ phát hiện ra loại côn trùng mới qua Flickr
Niên đại của ba xác côn trùng vào khoảng 230 triệu năm, nghĩa là chúng ra đời trong kỷ Tam Điệp và cùng thời với khủng long. Chúng gồm hai con ve bét và một con ruồi. Hai con ve bét rất nhỏ nên quan sát chúng bằng mắt thường là việc rất khó. Để tìm thấy chúng, David Grimaldi, một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, cùng các đồng nghiệp đã xem xét khoảng 70.000 giọt hổ phách ở phía đông bắc Italy, AP đưa tin.
Hai con ve bét trong hổ phách ở vùng đông bắc
Italy. Chúng thuộc hai loài ve riêng biệt. (Ảnh: AP)
Giới khoa học từng phát hiện một số xác côn trùng trong hổ phách, song ba xác côn trùng tại Italy có niên đại cao hơn ít nhất 100 triệu năm so với chúng.
Khác với những xác sinh vật trong hóa thạch, xác sinh vật trong hổ phách được bảo quản tốt hơn nhiều do chúng không bị nén. Nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy nhiều chi tiết trên cơ thể chúng.
"Chúng tôi có thể so sánh rất nhiều bộ phận cơ thể giữa sinh vật từ thời cổ đại trong hổ phách với sinh vật ngày nay", Gramaldi cho biết.
Sau khi so sánh hai con ve bét trong hổ phách với ve bét ngày nay, Grimaldi nhận thấy chúng rất giống nhau. Hai điểm khác biệt giữa chúng là số lượng chân và kiểu dáng của miệng. Đây là điều khiến họ cảm thấy ngạc nhiên, bởi hệ sinh thái trên trái đất đã thay đổi rất nhiều từ khi những con vật trong hổ phách chết. Khi chúng còn sống, hành tinh chỉ có một lục địa, vài loài khủng long và thực vật có hoa chưa ra đời. Ve bét ngày nay sống trên các cây có hoa, song tổ tiên của chúng chỉ tồn tại trên những cây không hoa.
Derek Briggs, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Yale Peabody tại Mỹ, mô tả phát hiện của nhóm Gramaldi là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng.
"Ba xác côn trùng đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của sự sống trên địa cầu", ông bình luận.