Phát hiện đầu rồng lạ ngàn năm tuổi
Chiếc đầu rồng này được nhân dân xã Gia Viễn, huyện Gia Phương, tỉnh Ninh Bình tìm thấy ngay tại quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Văn Chường, 74 tuổi, trưởng Ban quản lý di tích đền Đinh làng Kim Lư, thôn Văn Hà, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình kể: “Tháng 8 năm 1997, trong khi đào móng để làm lò gạch con rể tôi là Lê Văn Hiên đã phát hiện ra đầu rồng bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất khoảng 4 mét. Chiếc đầu rồng được bảo vệ bằng những hàng gạch được xếp ngay ngắn 4 xung quanh. Hoảng quá, con rể tôi vội lấp lại và gọi tôi ra. Nhìn thấy vật lạ, nghĩ đây là một di vật lịch sử tôi liền đem lên, mang ra sông Hoàng Long rửa hết đất bám xung quanh rồi đem về chùa Kỳ Lân trưng bày khoảng 1 năm. Sau đó, tôi trao lại cho Ban quản lý di tích cố đô Hoa Lư để du khách thập phương chiêm ngưỡng.”
Tuy nhiên, đáng tiếc rằng trong quá trình đào bới, anh Hiên đã vô tình làm đầu rồng bị sứt một bên tai nên di vật không còn nguyên vẹn nữa.
Ông Nguyễn Công Nga - một nhà khảo cổ học ở Ninh Bình cho biết: “Gọi là đầu rồng lạ vì con vật thiêng này vừa mang yếu tố đầu rồng đất nung như thường thấy, vừa có những yếu tố không phải của một đầu rồng, nhưng yếu tố rồng trội hơn. Chiếc đầu rồng có niên đại từ thời Đinh - Lê tức cách đây hơn 1000 năm”.
Từ cổ rồng đến đỉnh đầu cao 30 cm, riêng phần cổ cao 13 cm. Từ miệng đến bờm 26 cm, từ mắt này sang mắt kia 16 cm, chiều rộng miệng 11 cm, miệng mở 5 cm. Từ môi đến mép miệng 14 cm, lưỡi dài 5,5 cm, rộng 4 cm, có tất cả 26 cái răng chia đều cho hai hàm, cổ tròn có đường kính ngang 13,5 cm. Trọng lượng đầu rồng là 6,6 kg.
Chiếc đầu rồng có hai mắt tròn lồi, đuôi mắt kéo dài về sau, hai khóe miệng dài và rộng, có một đường chỉ chìm và các vết chấm lõm chạy quanh mép. Hai râu mọc trên sống mũi rủ xuống, uốn cong đâm vào miệng rồng. Hai tai dáng cong được tạo bởi những đường cong đều, bờm có hai lớp nằm sát vào nhau, được thể hiện cong tròn nằm phía sau tai. Cổ tròn có nhiều vảy bao kín.
Yếu tố không phải rồng nổi bật nhất chính là ở cái miệng. Nếu như miệng rồng dài, hàm uốn lượn, mũi nở to, răng thưa nhọn lởm chởm trông dáng vẻ uy nghi dữ tợn thì ở đây, miệng có dáng bẹp như mỏ vịt và có răng. Răng hàm dưới nhọn kiểu răng cưa, hàm trên răng to dài không nhọn, nằm kề sát nhau trông như răng người, đua về phía trước chứ không theo hướng thắng đứng. Nhìn riêng phần miệng, trông tựa như mỏ vịt. Phần lưỡi dài thè ra uốn lên hàm trên. Như vậy khi miệng ngậm hàm răng trên sẽ nằm ngang vuông góc với hàm răng dưới.
Bãi đất mà 2 cha con ông Chường tìm thấy đầu rồng khi xưa chính là nền của một ngôi đình cổ, sau đó được nhân dân trong xã biến thành nơi làm lò gạch, hiện nay nhà máy nước sạch được xây dựng ở đây. Bãi đất nằm cạnh sông Hoàng Long, cũng chính là con đường thủy mà vua Lý Thái Tổ đã đi qua khi dời đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long.
Ông Nguyễn Đức Long, giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết: “Hiện bảo tàng Ninh Bình có trưng bày 2 đầu rồng. Một đầu rồng được tìm thấy ở Thiên Tôn, Hoa Lư có từ thời Lý - Trần cũng bằng đất nung và ngậm ngọc như nhiều đầu rồng khác được tìm thấy. Còn đầu rồng được tìm thấy ở Gia Viễn, Gia Phương lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy và mang rất nhiều yếu tố lạ. Rồng không ngậm ngọc mà ngậm một vật hình tròn dẹt, phần cằm còn có một chỏm râu nhìn tựa râu dê.
Ông Nguyễn Công Nga, người đã từng nghiên cứu di vật này giải thích về niên đại của chiếc đầu rồng. “Đầu rồng lạ được phát hiện ở quê hương của Đinh Tiên Hoàng, lại mang yếu tố của những con vịt đất nung đã tìm thấy khá nhiều ở khu vực cố đô Hoa Lư, (nhất là phần mỏ), chất liệu đất nung có màu vàng nhạt, độ nung không cao lắm, tựa như các con vật đất nung nêu trên nên bước đầu có nhận định đây là rồng có niên đại thế kỷ X, thời Đinh - Lê”
Căn cứ vào những sách sử, có thể thấy đầu rồng cũng mang những đặc điểm kiến trúc được trang trí trong cung điện của vua chúa thời Đinh Lê. Thêm nữa, đầu rồng được tìm thấy ngay trên quê hương Đinh Tiên Hoàng nên sự khẳng định niên đại của vật thiêng thời vua Đinh - Lê càng thêm sức thuyết phục.
Chính vì lí do đó nên sau khi đầu rồng được tìm thấy ở xã Gia Viễn thì UBND xã chuyển con vật thiêng về Ban quản lý di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình để trưng bày tại đền thờ vua Lê để du khách tham quan chiêm ngưỡng.
Đầu rồng lạ là một minh chứng thể hiện sự độc đáo trong kiến trúc nghệ thuật cung điện thời Đinh - Tiền Lê. Đồng thời việc tìm thấy và lưu trữ di vật có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của Bảo tàng Ninh Bình.