Phát hiện dấu tích nhà hát thời La Mã dưới chân "Bức tường Than khóc"

Các nhà khảo cổ Israel ngày 17/10 thông báo họ đang tiến hành khai quật một công trình kiến trúc cộng đồng đầu tiên thời La Mã dưới chân Bức tường Than khóc ở thành phố Jerusalem.

Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo cổ Israel (IAA), nhà khảo cổ học Joe Uziel cho biết công tác khai quật đã được tiến hành trong 2 năm, dựa trên các tư liệu lịch sử trước đây về những kiến trúc La Mã ở khu vực này.


Nhà khảo cổ Joe Uziel giới thiệu dấu tích công trình La Mã vừa được khai quật.


Nhà khảo cổ Joe Uziel trình bày mô hình Nhà hát La Mã từ thế kỷ thứ II hoặc III sau CN.

Theo IAA, công trình này nằm ở độ sâu khoảng 8m dưới lòng đất, về cơ bản mang dáng dấp của một nhà hát theo phong cách kiến trúc La Mã, với chiều rộng khoảng 15 mét và chiều cao 8 mét, còn lưu giữ những khối đá trong tình trạng khá tốt.

Dựa trên kết quả kiểm tra bằng carbon C14 và các phương pháp xác định niên đại khác, nhóm nghiên cứu kết luận công trình này có từ thế kỷ thứ II hoặc III sau Công nguyên (cách đây khoảng 1.700 năm) và dường như chưa được xây dựng xong.

Các chuyên gia IAA cho rằng đây có lẽ là khu khảo cổ quan trọng nhất của Israel. Trước đó, giới khoa học đã khám phá nhiều dấu tích về nhà ở, hệ thống nước, các tuyến giao thông, nhưng đây là lần đầu tiên một công trình kiến trúc cộng đồng có từ thời La Mã được biết tới ở khu vực này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất