Phát hiện đột phá: Cơ chế giúp bệnh ung thư tự "ngủ đông"

Các tác giả đến từ Viện Peter Dohety của Melbourne và Viện Trẻ em Telethon (Úc) đã phát hiện ra các tế bào T trí nhớ dạng cư trú tại chỗ có thể giúp đưa các khối u trong bệnh ung thư da vào giấc ngủ.

Đây là một trong các loại tế bào T, thuộc nhóm tế bào miễn dịch, làm nhiệm vụ chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể. Những tế bào T loại này không phải sát thủ tiêu diệt khối u mà hành động một cách lặng lẽ, đưa các khối u ác tính vào trạng thái ngủ đông và vì vậy chúng không thể di căn và tiếp tục làm hại cơ thể.


Các tế bào T (màu xanh lá cây) nằm đan xen các tế bào ung thư (màu đỏ) và da lành (màu xanh) - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Theo tác giả chính Simone Park, với các tính năng nói trên, loại tế bào T đặc biệt này sẽ giúp kiểm soát khối u ác tính lâu dài. Từ đó, các bác sĩ sẽ có thêm thời gian để tính toán xem nên làm gì tiếp theo để có lợi nhất cho bệnh nhân. Với đặc trưng của ung thư da, việc dạng tế bào này chỉ làm "đóng băng" chứ không giết chết ngay các tế bào bệnh là rất có lợi.

Thí nghiệm trên chuột đã chứng minh khi lấy những tế bào T trí nhớ cư trú ra khỏi các con chuột có khối u ác tính không hoạt động, khối u lập tức phát triển tiếp tục. Có thể nói, dạng tế bào này là một chiếc khóa tự nhiên cực kỳ hiệu quả.

Dạng tế bào T này từng được nghiên cứu nhưng đây là lần đầu tiên người ta biết được vai trò thực sự của nó. Phát hiện này chỉ là bước khởi đầu, các nhà khoa học sẽ cần rất nhiều công sức để tìm cách khai thác sức mạnh của chúng, kích hoạt phù hợp để chúng hoạt động đủ mạnh mẽ và đưa chúng vào các phác đồ điều trị ung thư hoàn chỉnh.

Ước tính mỗi năm ở Úc có thêm 14.000 người bị chẩn đoán ung thư da và 2.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất