Phát hiện gây sốc về ổ khủng long và "khủng long bảo mẫu"

Dưới một phiến đá rộng, người ta tìm thấy hóa thạch của 24 bộ xương khủng long con và hộp sọ của một con khủng long lớn hơn. Theo các nhà khoa học, ổ khủng long cổ đại kể trên có niên đại khoảng 190 triệu năm.

Hóa thạch của một ổ khủng long con cùng với một con “khủng long bảo mẫu” vừa được tìm thấy tại Trung Quốc. Theo các nhà khoa học, ổ khủng long cổ đại kể trên có niên đại khoảng 190 triệu năm, và sự tồn tại của nó cho thấy rằng ngay cả những con khủng long thời tiền sử cũng đã có những hành vi phức tạp mang tính chất gia đình.

Những hóa thạch được tìm thấy dưới một phiến đá rộng gồm 24 bộ xương khủng long con và hộp sọ của một con khủng long lớn hơn. Các nhà khoa học cho biết rằng con khủng long lớn hơn đóng vai trò “người giữ trẻ”, chăm sóc cho một nhóm các con non.

“Theo ý kiến của tôi, hóa thạch này là một trong những hóa thạch khủng long đẹp nhất được biết đến", Brandon Hedrick, một nhà cổ sinh vật học thuộc đại học Pennsylvania, Philadelphia, Mỹ cho biết.

Phát hiện gây sốc về ổ khủng long và khủng long bảo mẫu

Tất cả số khủng long đều thuộc loài Psittacosaurus lujiatunensis. Loài Psittacosaurus là những con khủng long ăn thực vật với chiều dài khoảng từ 1 đến 2 mét, đi trên hai chân.

Những người khai quật hóa thạch đã tìm thấy các bộ xương 120 triệu năm tuổi này ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. 24 bộ xương khủng long con có có kích thước tương tự nhau, với chiều dài khoảng 15cm. "Chúng có vẻ đều đã nở, vì không tìm thấy vỏ trứng, và xương đuôi đều đã phát triển, chứng tỏ những con vật đã có thể di chuyển xung quanh", Hedrick cho biết.

Hộp sọ của con khủng long lớn hơn nằm cùng một chỗ với 24 con khủng long non. Thậm chí, hai trong số các con non còn đan lẫn với hộp sọ này, cho thấy các con vật đã ở cạnh nhau khi chúng chết.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hộp sọ lớn có độ dài khoảng 11,6cm, chứng tỏ rằng con khủng long đang ở độ tuổi từ 4 đến 5. Những nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng loài khủng long Psittacosaurus lujiatunensis chỉ sinh sản khi đã đạt 8 hoặc 9 tuổi, do đó con vật này có thể không phải là bố mẹ của các con non.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng con khủng long lớn có thể đóng vai trò giữ trẻ, giống như một người anh chị lớn hơn. “Một số loài chim như chim hồng tước thể hiện hành vi trợ giúp khi chúng ở lại và giúp chim bố mẹ nuôi dưỡng lứa trứng sau thay vì lập gia đình riêng", Hedrick cho biết.

Tuy nhiên, tập tính này là không phổ biến trong các loài chim – thành viên còn sống sót duy nhất thuộc họ khủng long. Vì thế, Hedrick cũng cảnh báo rằng các nhà nghiên cứu không biết chắc chắn con Psittacosaurus lujiatunensis lớn có phải là “người trông trẻ” cho các con non hay không. Có khả năng những con khủng long này đã bị cuốn đi trong cùng một dòng bùn núi lửa và "vô tình được xếp cạnh nhau, chứ không hề có tương tác trực tiếp nào khi còn sống", Hedrick cho biết.

Các nhà khoa học đang lên kế hoạch phân tích cấu trúc hiển vi của những bộ xương con non nhằm xác định xem chúng có ở cùng một giai đoạn phát triển hay không. Nếu điều này là đúng, thì sẽ có thêm bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết rằng các con vật đã có sự tương tác.

Các nhà khoa học đã trình bày chi tiết những phát hiện của mình trên số tháng 9 của tạp chí Cretaceous Research.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất