Phát hiện hàng trăm con cóc chết khi giao phối 45 triệu năm trước
Đầm lầy cổ đại ở Đức có thể đóng vai trò như một chiếc bẫy tử thần, khiến hàng loạt cóc chết đuối trong mùa sinh sản.
Hóa thạch 45 triệu năm tuổi của hàng trăm con cóc chết trong một đầm lầy cổ đại ở khu vực ngày nay là Geiseltal, miền trung nước Đức, từ lâu đã khiến các nhà khoa học bối rối. Bí ẩn về nguyên nhân cái chết của chúng hiện có thể được giải đáp với nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Papers in Paleontology hôm 5/7 của nhóm nhà khoa học Ireland.
Hóa thạch cóc tại vùng Geiseltal, Đức, nhiều khả năng chết khi đang giao phối trong một đầm lầy cổ đại. (Ảnh: Daniel Falk)
Geiseltal từng là một khu rừng cận nhiệt đới lầy lội và là một trong những kho hóa thạch phong phú nhất thế giới, lưu giữ dấu vết của hơn 50.000 con chim, ngựa, dơi, cá và cóc. Theo nhóm nghiên cứu, đầm lầy chứa hàng trăm xác cóc cổ đại có thể đóng vai trò như một chiếc "bẫy giao phối tử thần" khiến chúng mất mạng.
"Những con cóc hóa thạch vẫn khỏe mạnh trước khi chết. Xương chúng cũng không có bất kỳ dấu vết nào do động vật săn mồi hoặc ăn xác thối để lại. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy chúng bị nước lũ cuốn trôi hay chết vì đầm lầy khô cạn", nhà cổ sinh vật Daniel Falk tại Đại học Cork, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
"Qua quá trình loại trừ, lời giải thích hợp lý duy nhất là đàn cóc chết trong lúc giao phối", ông kết luận. Theo nhóm nghiên cứu, những con cóc hóa thạch thuộc họ Cóc chân xẻng (Pelobatidae). Nhóm động vật lưỡng cư này sống trên cạn, chỉ quay trở lại nước để sinh sản vào mùa giao phối.
Khi cóc ngày nay giao phối, tình huống một hoặc nhiều con đực cùng ấn con cái xuống nước và khiến chúng chết đuối thường xuyên xảy ra. "Điều này thường xảy ra ở những loài 'giao phối tập trung' trong mùa sinh sản ngắn ngủi", nhà cổ sinh vật Maria McNamara tại Đại học Cork, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.
Những con cóc cổ đại ở Geiseltal có thói quen giao phối tương tự. Điều này có khả năng khiến cơ thể chúng chìm xuống đáy, sau đó bị các dòng chảy đưa vào sâu hơn trong đầm lầy. Qua thời gian, xác cóc bị đất sét và cát vùi lấp một cách tự nhiên, cuối cùng trở thành hóa thạch.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện mới sẽ đóng góp thêm vào kho kiến thức về quá trình tiến hóa của cóc qua hàng triệu năm. "Điều thú vị là hóa thạch cóc từ các địa điểm khác cũng thể hiện những đặc điểm này, cho thấy hành vi giao phối của cóc hiện đại đã tồn tại từ lâu, ít nhất là 45 triệu năm", McNamara nói thêm.
- Thiết bị cấy ghép giúp giảm đau không cần thuốc
- Khi bạn đói, não bộ có thể bật "chế độ tiết kiệm pin" và giảm độ phân giải thị giác của bạn xuống
- Báo tuyết hiếm bất ngờ xuất hiện ở vùng núi Ấn Độ