Phát hiện hành tinh có thể cư ngụ ở gần Trái Đất
Một thiên thạch sắp bay gần trái đất
Các nhà thiên văn cho biết hành tinh có tên gọi là Gliese 581g, bởi nó có chu kỳ quay dưới 37 ngày, ở giữa "khu vực có thể cư ngụ được" của ngôi sao lùn đỏ Gliese 581 - một dấu hiệu giúp các nhà khoa học phỏng đoán có thể có nước trên bề mặt hành tinh này.
Gliese 581g có khối lượng gấp 3-4 lần Trái Đất, cho thấy nó có thể có nhiều đá và đủ trọng lực hút bầu khí quyển. Trọng lực trên bề mặt của Gliese 581g có thể ngang bằng hoặc cao hơn chút ít so với Trái Đất, do đó, con người hoàn toàn có thể đi lại dễ dàng. Như vậy, Gliese 581g đã hội đủ hai yếu tố quan trọng là nước và bầu khí quyển giúp duy trì sự sống trên hành tinh.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, một mặt của hành tinh luôn đối diện với ngôi sao, vì vậy, nó luôn đón nhận ánh sáng trong khi mặt còn lại của hành tinh lại luôn tối. Nhiệt độ sẽ giảm dần ở vùng tối và tăng dần ở vùng sáng và nơi có thể cư ngụ được đó là vùng giao thoa giữa bên sáng và bên tối của hành tinh. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt của hành tinh này được đo ở vào khoảng âm 31 đến âm 12 độ C.
Gliese 581g được phát hiện trong quá trình quan sát ngôi sao lùn đỏ Gliese 581 - cách Trái Đất 20 năm ánh sáng (một năm ánh sáng gần bằng 9,461 tỷ km), thuộc dự án nghiên cứu Lick-Carnegie Exoplanet, đã được thực hiện trong 11 năm.
Giáo sư thiên văn học Steven Vogt, thuộc Đại học California, Santa Cruz, và là một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên khẳng định việc phát hiện ra hành tinh ngay gần Trái Đất cho thấy chắc chắn còn nhiều hành tinh giống như Gliese 581g đang tồn tại trên vũ trụ.
Toàn bộ công trình nghiên cứu trên sẽ được đăng trên tạp chí Vật lý học thiên thể và trên trang mạng www.arXiv.org.