Phát hiện hóa thạch bọ ba thùy khổng lồ ở Australia
Hóa thạch trên hòn đảo Kangaroo tiết lộ loài bọ ba thùy lớn nhất từng sinh sống ở Australia với chiều dài lên tới 30cm.
Hình ảnh phục dựng loài Redlichia rex. (Ảnh: Đại học Adelaide).
Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy hóa thạch của một loài bọ ba thùy khổng lồ chưa từng được biết tới trên đảo Kangaroo, phía nam Australia. Sinh vật thời tiền sử, sinh sống cách đây khoảng 500 triệu năm, được xác định là loài bọ ba thùy lớn nhất từng được tìm thấy ở Australia.
Loài bọ mới được đặt tên là Redlichia rex. Chúng dài tới 30cm và sở hữu những chiếc chân đầy gai, dùng để xé thức ăn (có thể là những loài bọ ba thùy nhỏ hơn). Các mẫu vật hóa thạch được khai quật trong một phiến đá ở vịnh Emu với chân và râu gần như nguyên vẹn.
Một số mẫu vật có lớp vỏ cứng bị nghiền nát. Đây là bằng chứng cho thấy loài Redlichia rex dù có kích thước đáng kinh ngạc nhưng vẫn là con mồi của những sinh vật to lớn và mạnh mẽ hơn, như Anomalocaris, động vật ăn thịt cổ xưa giống tôm, có thể dài tới hai mét.
Bọ ba thùy là một trong những nhóm động vật phát triển mạnh nhất trong lịch sử tiến hóa. Trước khi tuyệt chủng, chúng hiện diện ở khắp các đại dương trong suốt 270 triệu năm. Do có bộ xương ngoài cứng và dễ hóa thạch, nhiều mẫu vật bọ ba thùy vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay.
- Khai quật hóa thạch sinh vật biển 530 triệu năm vẫn còn mắt
- Hóa thạch 390 triệu năm tuổi mang nguồn gốc móng vuốt