Phát hiện hóa thạch cá sấu có hình dáng giống loài tatu ở Braxin
Một loài cá sấu cổ có bộ da ngoài giống như vảy loài tatu ở Nam Mỹ mới được phát hiện ngày hôm qua tại một bảo tàng khí hậu tại Braxin.
Theo các nhà khoa học, loài cá sấu mới được phát hiện có danh pháp khoa học là Armadillosuchus arrudai, đã từng sống ở vùng đất khô cằn của Braxin cách đây khoảng 90 triệu năm trong kỷ Cretaceous.
Nó có kích thước chiều dài 2 mét, cân nặng 120 kg, có một cái đầu rộng với mõm hẹp và nhiều răng.
"Vỏ ngoài giống như áo giáp sắt của loài này chưa từng có ở bất kì loài cá sấu hiện tại và hóa thạch nào,” Ismar de Souza Carvalho, nhà khảo cổ học thuộc đại học Liên bang ở Rio de Janeiro nói trong email gửi chúng tôi.
“Nhưng sự kì lạ chưa dừng lại ở đó,” Thiago Marinho, nhà khảo cổ học cũng làm việc tại trường đại học nói trên, cho biết. “Loài cá sấu này có thể nhai theo cách của các loài động vật có vú, hệt như con người chúng ta thường nhai vậy.”
Hầu hết những con cá sấu hiện đại chỉ dùng đôi hàm khỏe của chúng để nghiền nát con mồi. Nhưng loài cá sấu hóa thạch này có thể đưa hàm dưới chuyển động lên xuống, sử dụng răng để xé nhỏ thịt, rễ cây, nhành cây, và động vật thân mềm, Marinho cho biết.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra loài cá sấu này năm 2005 ở vùng Bauru thuộc bang Sao Paolo, một khu vực mà họ cho rằng từng có khí hậu khô, nóng ở thời kì cách đây 90 triệu năm, Souza Carvalho cho biết.
“Có mưa theo mùa, với những cơn nước lũ. Điều này rất khác với những loài cá sấu châu Phi và châu Mỹ thời nay quen sống ở các khu vực nước quanh năm.”
Các chi của cá sấu Armadillosuchus có khả năng đào đất giống hệt như loài tatu.
“Đây có thể là một cách để tránh không khí khô nóng của khí hậu thời đó, hoặc để trốn các loài khác to lớn hơn cũng thuộc họ cá sấu,” Souza Carvalho nói.
Nhóm nghiên cứu đã mô tả hóa thạch này trên số ra tháng 2 vừa qua tờ Journal of South American Earth Sciences. Các hóa thạch và mô hình mô phỏng đời sống loài này sẽ được trưng bày tại bảo tàng Môi trường Rio de Janiero thứ ba tuần tới.