Phát hiện hóa thạch loài thằn lằn bay mới có tuổi đời khoảng 100 triệu năm

Với sải cánh dài khoảng 4,6m, Haliskia peterseni có thể là loài săn mồi đáng sợ vào khoảng 100 triệu năm trước, thời điểm phần lớn khu vực Trung Tây bang Queensland chìm dưới nước biển.

Một nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học tại Đại học Curtin (Australia) dẫn đầu đã xác định được những mẫu xương hóa thạch có tuổi đời khoảng 100 triệu năm từng được khai quật ở Australia thuộc về một loài thằn lằn bay mới, một loài bò sát bay khổng lồ trong thời kỳ khủng long.


Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch của một loài bò sát bay khổng lồ trong thời kỳ khủng long. (Nguồn: discoverwildlife).

Năm 2021, ông Kevin Petersen, phụ trách bảo tàng hóa thạch biển Kronosaurus Korner (Queensland), đã khai quật được các mẫu vật hóa thạch của một loài khủng long bay cổ đại ở phía Tây bang Queensland.

Dựa trên hình dạng hộp sọ, sự sắp xếp của những chiếc răng và hình dạng của xương vai, nhóm nghiên cứu do Nghiên cứu sinh Tiến sỹ Adele Pentland dẫn đầu tại Trường Khoa học Trái đất và Hành tinh (Đại học Curtin) đã xác định mẫu vật được tìm thấy thuộc về loài Haliskia peterseni, một loài và chi mới thuộc nhóm Anhanguera - nhóm thằn lằn bay từng tồn tại khắp nơi trên Trái đất, bao gồm những nơi ngày nay là Brazil, Anh, Maroc, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ.

Bà Pentland mô tả: “Với sải cánh dài khoảng 4,6m, Haliskia peterseni có thể là loài săn mồi đáng sợ vào khoảng 100 triệu năm trước, thời điểm phần lớn khu vực Trung Tây bang Queensland chìm dưới nước biển và được bao phủ bởi một vùng biển nội địa rộng lớn có vị trí tương đương với biển phía Nam của bang Victoria ngày nay".

Theo bà Pentland, các mẫu vật do ông Kevin Petersen khai quật đã cung cấp phần còn lại hoàn chỉnh nhất của một trong những loài thuộc nhóm Anhanguera và đây cũng là mẫu vật hoàn chỉnh nhất trong số bất kỳ loài thằn lằn bay nào từng được phát hiện ở Australia.

Bà cho biết mẫu vật bao gồm toàn bộ hàm dưới, chóp hàm trên, 43 chiếc răng, đốt sống, xương sườn, xương từ cả hai cánh và một phần của chân.

Ngoài ra, còn có xương họng rất mỏng và mảnh, cho thấy chiếc lưỡi “cơ bắp” của loài thằn lằn bay này giúp ích rất nhiều trong quá trình chúng ăn cá và động vật thân mềm.

Ông Petersen bày tỏ vui mừng khi phát hiện của mình đã giúp xác định được một loài mới, qua đó bổ sung kiến thức cho những nghiên cứu về các loài thời tiền sử. Ông cho rằng phát hiện mới nhất này là một bước tiến tiếp theo về khoa học, giáo dục và du lịch trong khu vực.

Nghiên cứu có tiêu đề “Haliskia peterseni, một loài thằn lằn thuộc nhóm Anhanguera mới từ cuối kỷ Phấn Trắng sớm ở Australia” được công bố trên tạp chí Scientific Reports/Springer Nature gần đây.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất