Phát hiện hóa thạch nhện 305 triệu năm tuổi
Một nhóm các nhà nghiên cứu vừa phát hiện hóa thạch của một loài nhện cổ có niên đại 305 triệu năm tuổi ở Pháp. Phát hiện này sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về nguồn gốc ban đầu của loài nhện ngày nay.
Mẫu hóa thạch sẽ được bảo quản trong môi trường 3D.
Loài nhện mới được đặt tên là Idmonarachne brasieri. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã làm việc với Bảo tàng lịch sử tự nhiên của Anh để tiến hành quét và kiểm tra chi tiết mẫu hóa thạch. Thông tin về nguồn gốc của loài nhện đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, hầu như không có tài liệu về sự tiến hóa ban đầu của loài này.
Được biết, mẫu hóa thạch sẽ được bảo quản trong môi trường 3D, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu và giải phẫu một cách chi tiết.
Quá trình phân tích cho thấy, Idmonarachne brasieri có cấu trúc đuôi ở phần dưới hay còn được gọi là roi, chứng tỏ loài nhện ngày nay đã tiến hóa và mất đuôi giống như con người. Thay vào đó, loài nhện phát triển những chiếc răng nanh và chân khớp. Một điều thú vị là, tổ tiên loài nhện chỉ nhả tơ chứ không có khả năng giăng tơ.
"Hóa thạch đánh dấu một bước nhảy vọt đáng kể trong sự hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của nhóm chân khớp", Russell Garwood – nhà khoa học thuộc Trường khoa học nghiên cứu Trái đất, khí quyển và môi trường cho hay.