Phát hiện hóa thạch sư tử có túi tuyệt chủng 23 triệu năm ở Australia
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài sư tử có túi mới ở khu vực hóa thạch nổi tiếng của Australia. Vào thời hoàng kim, loài này đã khiến nhiều loài vật khác khiếp sợ.
Sư tử Lekaneleo, còn gọi là Leo, sinh sống ở khu vực hẻo lánh phía tây bắc xa xôi của bang Queensland (Australia) - Adels Grove and the Riversleigh World Heritage, đã tuyệt chủng khoảng ít nhất cách đây 23 triệu năm.
Khu vực này là một địa điểm hóa thạch quan trọng, từng được người dẫn chương trình về lịch sử tự nhiên nổi tiếng người Anh David Attenborough ghé thăm.
Con sư tử có kích thước tương đương con mèo nhà ngày nay, trước đây được cho là thuộc họ thú có túi ăn thịt tuyệt chủng Priscileo roskellyae (Thylacoleonidae). Nó có 3 răng nanh và 4 răng hàm với kích thước tương đối nhỏ.
Sư tử có túi nhỏ nhất
Bài báo nghiên cứu của các tác giả Anna Gillespie, Michael Archer và Suzanne Hand từ Đại học New South Wales đã trình bày chi tiết về sự phân loại lại mà Tiến sĩ Archer nói là một trong những điều thú vị, theo ABC News. Ông nói rằng con sư tử thuộc nhóm thú có túi “kỳ lạ”.
“Anh chàng nhỏ bé mà chúng tôi gọi là Lekaneleo roskellyae... là một trong những con sư tử có túi nhỏ nhất mà chúng tôi từng thấy. Nó thực sự bằng một con mèo pussy”, tiến sĩ Archer nói.
“Điều mà chúng tôi dần dần tìm thấy ở Riversleigh, nơi có cánh cửa tuyệt vời để hiểu về sự tiến hóa của nhóm thú có túi rất kỳ lạ này, là chúng bắt đầu từ những con vật thực sự nhỏ bé, nhỏ hơn một con mèo pussy”.
“Ở Australia, những con sư tử có túi là loài ăn thịt vô cùng nguy hiểm, tồn tại ít nhất 30 triệu năm trước trong lịch sử”.
Lekaneleo, biệt danh Leo, tại Riversleigh. (Ảnh: ABC News).
“Còn anh chàng mới này, chúng tôi chỉ nhận ra là rất khác biệt so với bất kỳ loài nào trước đây mà chúng tôi từng thấy. Đó là lý do tại sao nó được gọi là loài mới của sư tử có túi”.
Bên cạnh Lekaneleo, một số loài sư tử có túi khác được tìm thấy ở Riversleigh bao gồm: Microleo attenboroughi, được đặt tên theo người dẫn chương trình David, Wakaleo schouteni có kích thước tương đương con báo và con sư tử lớn hơn Thylacoleonids.
Tiến sĩ Archer cho biết tất cả những loài sư tử của Riversleigh được đặc trưng bởi răng nanh sắc nhọn.
Cuộc thám hiểm nghiêm túc Riversleigh bắt đầu vào năm 1976 và tiếp tục cho đến ngày nay. Trong ảnh, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Mike Archer và các đồng nghiệp tại Khu vườn của Neville. (Ảnh: ABC News).
“Chúng có răng nanh sắc, dài như lưỡi dao”, ông nói. “Đây là sự thích nghi và tiến hóa phi thường nhất mà một loài thú ăn thịt đạt được ở bất cứ đâu trên thế giới”. “Răng của chúng có khả năng xuyên thẳng qua xương”.
Vì vậy, dù Leo có thể có kích thước tương đương với con mèo nhà nhưng sẽ không ngoan ngoãn cuộn tròn trên chiếc đi văng.
“Tôi nghĩ rằng nhiều loài động vật trong khu rừng nhiệt đới cổ đại Riversleigh sẽ run sợ khi nhìn thấy Leo”, Tiến sĩ Archer nói. “Không còn loài động vật còn sống nào ngày nay có thể nói cho chúng tôi biết những con vật này đã làm gì (trong quá khứ). Những khu rừng này phức tạp hơn nhiều so với bất cứ điều gì bạn thấy”.
Đa dạng sinh học mất dần vì nhiệt độ tăng
Riversleigh là địa điểm hóa thạch nổi tiếng trên thế giới và là nơi tiến sĩ Archer đã nghiên cứu trong suốt 4 thập kỷ, bắt đầu vào năm 1976.
Ông nói rằng không nơi nào ở Australia ngày nay có sự đa dạng như nơi Leo đã từng tồn tại. “Chúng ta thấy theo thời gian khi khí hậu thay đổi, khi các khu rừng nhiệt đới biến mất dần khỏi lục địa thì đa dạng sinh học của Australia đã bị thu hẹp dần”, tiến sĩ Archer giải thích.
Ông nói rằng quan sát quá khứ là cách tốt nhất để dự đoán tương lai và Riversleigh là một nơi tuyệt vời để làm điều đó.
Tại một thời điểm trong lịch sử, Riversleigh đã chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ lên 2 độ C và kết quả là 50% các loài động vật của nó biến mất.
Hình minh họa về khu vực hóa thạch Riversleigh vào 18 triệu năm trước. (Ảnh: ABC News).
Nhưng khi nhiệt độ giảm trở lại, những loài động vật lại bắt đầu tái sinh, vào khoảng 300.000 đến 400.000 năm trước.
“Thông điệp ở đây là nếu chúng ta tiếp tục để nhiệt độ Trái Đất tăng lên thì chúng ta sẽ phải chịu sự mất mát lớn về đa dạng sinh học”, ông Archer nói tiếp.
“Chúng ta thực sự đã có một hồ sơ hóa thạch ở Riversleigh, cho chúng ta biết những gì đã xảy ra trong quá khứ”.
“Cụ thể, khoảng 15 triệu năm trước, chúng ta đã chứng kiến sự mất mát lớn của các loài. Nhưng sau đó chúng tôi đã quan sát được, qua hàng trăm nghìn năm, sự đa dạng của các loài lại xuất hiện khi nhiệt độ hành tinh bắt đầu giảm”.
- Sư tử khổng lồ từng lang thang khắp châu Âu
- Yang's Tiger: Sư tử bản địa của Trung Quốc nhưng lại được gọi là hổ
- Loài sư tử lớn nhất thế giới bị người cổ đại tận diệt