Phát hiện hóa thạch tổ tiên chung của con người và các loài linh trưởng hiện đại
Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện hóa thạch tổ tiên của con người có tuổi thọ 47 triệu năm. Được khai quật tại Messel Pit, Đức, hóa thạch này được đặt tên là Darwinius masillae có tuổi thọ nhiều hơn gấp 20 lần so với hầu hết các hóa thạch tạo nên quá trình tiến hóa của con người.
Được đặt cho cái tên “Ida”, hóa thạch là một loài chuyển tiếp – nó mang các đặc điểm từ những dòng tiến hóa phi nhân nguyên thủy (bộ bán hầu, đại diện là loài vượn cáo) nhưng nó lại có liên quan nhiều hơn đối với dòng tiến hóa thuộc loài người (vượn người, ví dụ như khỉ, vượn và con người). Hóa thạch hoàn thiện 95% cung cấp những hiểu biết hoàn thiện nhất về cổ sinh vật học của bất cứ loài linh trưởng Eocene nào được phát hiện cho đến bây giờ.
Phát hiện của các nhà khoa học được công bố trên tạp chí PLoS ONE thuộc tạp chí Public Library of Science.
Trong hai năm vừa qua, một nhóm các nhà khoa học quốc tế do nhà nghiên cứu hóa thạch Na-uy nổi tiếng thế giới – tiến sĩ Jørn Hurum thuộc Đại học bảo tàng lịch sử tự nhiên Oslo – đã bí mật tiến hành phân tích pháp lý chi tiết về hóa thạch khác thường này, họ nghiên cứu dữ liệu để giải đáp nguồn gốc cổ xưa của loài người. Hóa thạch Ida được hoàn thiện 95% là mốc tiến hóa của vốn hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của loài linh trưởng.
Tiến sĩ Hurum cho biết: “Đây là mối liên hệ đầu tiên đối với mọi con người, rõ ràng chỉ một hóa thạch cũng đã kết nối được di sản của toàn thế giới”. “Nó thực sự là phiến đá Rosetta,” đồng tác giả kiêm giáo sư Philip Gingerich thuộc Bảo tàng cổ sinh vật học tại Đại học Michigan nhận xét.
Hóa thạch được phát hiện vào năm 1983 bởi những nhà thu thập hóa thạch độc lập. Họ đã chia nhỏ rồi cuối cùng bán hai phần của bộ xương trong những chiếc đĩa tách biệt: chiếc đĩa nhỏ hơn đã được khôi phục, trong quá trình này một phần bộ xương được tái tạo để làm nó trông hoàn thiện hơn. Phần này cuối cùng lại được bán cho một bảo tàng tư tại Wyoming, sau đó được một trong những tác giả của nghiên cứu phát hiện. Ông chính là Jens L. Franzen, người đã nhận ra phần được tái tạo lại. Phần hoàn thiện hơn chỉ vừa mới xuất hiện gần đây, hiện nó thuộc về Bảo tàng lịch sử tự nhiên thuộc Đại học Oslo (Na-uy). Bài viết trên tạp chí PLoS ONE nói rằng nghiên cứu cuối cùng đã tiếp cận được với mẫu hóa thạch hoàn chỉnh.
Không giống Lucy và các hóa thạch linh trưởng nổi tiếng khác được tìm thấy tại chiếc nôi Cradle of Mankind, Châu Phi, Ida là một hóa thạch Châu Âu, nằm ở Messel Pit – Đức. Nó chính là miệng núi lửa rộng một dặm, với đá phiến sét nhiều dầu. Đây cũng là một địa điểm quan trọng có thể tìm thấy các hóa thạch thuộc thời đại Eocene. Phân tích hóa thạch cho thấy linh trưởng thời tiền sử Ida thuộc giống cái, còn trẻ. Hai ngón chân cái lớn nằm đối diện và móng tay ở đỉnh ngón tay cũng như ngón chân khẳng định hóa thạch này là linh trưởng. Một xương bàn chân gọi là xương sên đã gắn kết trực tiếp Ida với con người.
Hóa thạch Ida cũng đồng thời có cấu trúc cơ thể mềm hoàn chỉnh, phần chất hóa thạch trong ruột cũng tiết lộ Ida thuộc nhóm ăn cỏ. Ida ăn chủ yếu là trái cây, hạt cây và lá trước khi chết. Dữ liệu tia X tiết lộ Ida có cả răng sữa và răng trưởng thành, và nó không có răng lược hay vuốt chải – vốn là một đặc điểm của vượn cáo. Các nhà khoa học ước tính tuổi của Ida khi nó chết là khoảng 9 tháng, độ dài cơ thể ước chừng khoảng 3 fit.
Ida sống cách đây 47 triệu năm vào một thời kỳ quan trọng trong lịch sử của Trái Đất – thời đại Eocene. Eocene là thời điểm khi mà những bản thiết kế cho động vật có vú hiện đại được hình thành. Theo sau sự kiện tuyệt chủng của khủng long, những con ngựa đầu tiên, dơi, cá voi và nhiều sinh vật khác trong đó có những cá thể linh trưởng đầu tiên xuất hiện trên hành tinh vùng cận nhiệt. Trái Đất chỉ vừa mới bắt đầu có hình dạng như chúng ta quan sát thấy ngày nay. Rặng núi Himalayas được hình thành, hệ động thực vật hiện đại phát triển. Các loài động vật có vú sống trên cạn, trong đó có linh trưởng, sinh sống trong những cánh rừng lớn.
Ida không mang hai đặc điểm giải phẫu quan trọng của vượn cáo – đó là bộ vuốt chải ở ngón chân thứ hai, và hàm răng lược liền nhau ở phần giữa hàm dưới. Ida có móng chứ không phải có vuốt. Vuốt là đặc điểm đặc trưng của các loài linh trưởng phi nhân ví dụ như vượn cáo. Còn răng của Ida lại tương tự như răng khỉ. Đôi mắt hướng về phía trước của Ida cũng giống như chúng ta, có lẽ đặc điểm này đã giúp thị trường của Ida chồng lên nhau, tạo nên thị trường 3D và khả năng xác định khoảng cách cho nó.
Bàn tay của hóa thạch cũng có ngón tay cái đối diện như con người. Giống như mọi loài linh trưởng khác, Ida có 5 ngón tay ở mỗi bàn tay. Ngón tay cái nằm đối diện với các ngón còn lại giúp nó có thể cầm nắm chính xác. Trong trường hợp của Ida, đặc điểm nói trên rất hữu dụng trong việc leo trèo và hái quả. Còn đối với con người, nó cho phép chúng ta thực hiện các chức năng như chế tạo công cụ hay viết lách. Ida cũng có cánh tay linh hoạt, giúp nó có thể sử dụng cả hai bàn tay để làm bất cứ công việc gì không thể thực hiện bằng một bàn tay – ví dụ như chụp quả. Giống con người, Ida cũng có cánh tay và cẳng chân khá ngắn.
Bằng chứng về xương sên cũng liên kết Ida đối với chúng ta. Xương sên có cùng dạng với xương của con người ngày nay. Chỉ có xương sên của con người mới to một cách rõ rệt. Ảnh quét CT và tia X cho thấy Ida lúc chết khoảng 9 tháng tuổi, khẩu phần ăn chính của nó là thực vật và quả mọng. Bên cạnh đó, nó không có xương dương vật, cho thấy chắc chắn nó thuộc giống cái.
Ảnh quét tia X cho thấy xương cổ tay bị vỡ của Ida có thể là một phần nguyên nhân cái chết của nó. Phần cổ tay bên trái đang lành lại sau một tai nạn làm nứt xương nghiêm trọng. Các nhà khoa học tin rằng Ida đã bị làm cho bất tỉnh do khí cacbonic khi uống nước trong hồ Messel. Các vùng nước tĩnh của hồ thường được bao phủ bởi một lớp khí dưới tác động của núi lửa hình thành nên hồ. Những ngọn núi lửa đó vẫn còn hoạt động vào thời gian sống của Ida. Do bị tổn thương cổ tay, Ida bị bất tỉnh và bị cuốn xuống hồ, chìm xuống đáy và những điều kiện có một không hai tại đó đã gìn giữ bộ xương của Ida suốt 47 triệu năm.
Phát hiện của nghiên cứu kéo dài hai năm được công bố trong bộ phim tài liệu đặc biệt “The Link” của hãng Atlantic Productions được phát vào thứ 2, ngày 25 tháng 5 lúc 9 giờ tối trên ET/PT và BBC One tại Anh Quốc; và thứ 3 ngày 26 tháng 5, 2009 vào cùng giờ trên BST. Bộ phim cũng được công chiếu trên ZDF, NRK và các kênh trên toàn thế giới. Cuốn sách “The Link” sẽ được xuất bản bởi Little Brown and Company – một bộ phân của Hachette Book Group vào thứ 4 ngày 20 tháng 5.
Phát thanh viên nổi tiếng kiêm chuyên gia tự nhiên học David Attenborough phát biểu: “Sinh vật này sẽ cho chúng ta thấy mối liên hệ với mọi loài động vật có vú còn lại. Mối liên kết đó chúng ta vẫn thường nói là còn thiếu, nhưng bây giờ đã không còn thiếu nữa”.