Phát hiện khảo cổ về loài động vật có vú có nọc độc ở 2 chân sau
Trong chuyến hợp tác thám hiểm với các đồng nghiệp từ Đại học Tổng hợp Tomsk, các nhà khoa học từ trường Tổng hợp St. Petersburg của Nga đã tìm thấy những động vật có vú mới thuộc nhóm multituberculata - loài thú cổ đại răng nhiều mấu, giống các động vật gặm nhấm hiện đại.
Thực tế con "chuột" mới hoàn toàn không giống chuột đồng hay chuột hamster, thậm chí chúng chẳng phải họ hàng.
Con thú lạ được đặt tên là Baidabatyr. Có lẽ động vật gặm nhấm này hoàn toàn vô hại và "chỉ ăn cỏ".
Baidabatyr đang được kỳ vọng xác định là tổ tiên tất cả các động vật có vú ăn cỏ.
Tại sao lại gọi là Baidabatyr? Để bơi đến khu vực khai quật tìm thấy răng của động vật có vú cổ đại này (thực chất là một chiếc răng bé xíu dài 2mm), các nhà khoa học đã phải dùng thuyền baidar.
Con thú lạ được đặt tên là Baidabatyr. (Ảnh minh họa: sputniknews.com).
Đó là phương tiện duy nhất để đến địa điểm trên sông Kemchug. Vậy là chúng ta đã rõ một nửa cái tên Baidabatyr. Còn nửa thứ hai cũng không khó giải thích. Phải là "dũng sĩ" để tồn tại ở nơi mặt đất không ngừng rúng động dưới bước chân những con khủng long cao bốn mét!
Các nhà khảo cổ lại có thói quen gọi các loài mới của nhóm động vật có vú này bằng từ "baatar" (tiếng Mông Cổ — "dũng sĩ"), lý do những động vật cổ đại răng nhiều mấu đầu tiên được mô tả chi tiết đã được phát hiện trên lãnh thổ Mông Cổ.
Các nhà nghiên cứu Nga thay từ "baatar" bằng từ "batyr" tương tự trong tiếng Turkic và đặt tên cho chi động vật mới. Bài báo khoa học liên quan tới phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Journal of Vertebrate Paleontology.
Thành phần nhóm nghiên cứu bao gồm Alexander Averyanov — Trưởng Phòng thí nghiệm Động vật có vú thuộc Viện Động vật học, Aleksey LoPatin — Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Quyền Giám đốc Viện Cổ sinh. A. A. Borisyak, Stepan Ivantsov — Phó Giáo sư Đại học Tổng hợp Tomsk, Pavel Skuchas — Phó Giáo sư Đại học Tổng hợp St. Petersburg, các sinh viên Đại học St Petersburg Ivan Kuzmin và Elizaveta Boytsova.
Chuyên gia về động vật có xương sống đại Mezozoi, TS. PGS. Đại học Tổng hợp St. Petersburg Pavel Skuchas cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện một đại diện rất sơ khai của nhóm: nó phải sống trong kỷ Jura (hơn 145 triệu năm) nhưng lại được tìm thấy trong các trầm tích đầu kỷ Phấn Trắng (100 đến 125 triệu năm). Có thể coi động vật cổ đại tương tự loài gặm nhấm hiện đại này là hóa thạch "sống" vào thời đó. Phát hiện khẳng định thực tế sự không thay đổi tiến hóa của Tây Siberia đã kéo dài hơn 40 triệu năm, trong thời gian này thành phần các loài có vú và lưỡng cư hầu như được giữ nguyên".
Phát hiện mới của các nhà khoa học Nga - động vật có vú cổ đại. (Nguồn: Sputniknews).
Baidabatyr đã bảo vệ sự sống để tồn tại như thế nào? Những động vật có vú ăn cỏ kích thước nhỏ luôn sống trong điều kiện đầy nguy hiểm!
Các nhà khoa học đã có câu trả lời cho thắc mắc này. Vấn đề là ở những chiếc cựa có nọc độc trên hai chân sau của động vật.
Chúng tồn tại đến ngày nay ở các loài hiện đại như thú mỏ vịt và thú lông nhím.
Thời "cổ đại" mang cựa có nọc độc là "một mốt thời trang" ở nhiều động vật có vú.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cựa có nọc có thể là một đặc thù ban đầu của tất cả các động vật có vú.
Não bộ phát triển và con người đã không còn cần đến chúng. Với bộ não lớn như ngày nay, chúng ta có thể tạo ra vô số chất độc.