Phát hiện khỉ nhiều màu sặc sỡ

Các nhà khoa học phát hiện những con khỉ với bộ lông nhiều màu sắc sống trong những khu rừng ở miền trung Cộng hòa dân chủ Congo và họ khẳng định chúng là loài mà giới khoa học chưa từng biết.

John Hart, giám đốc khoa học của Quỹ Nghiên cứu Thiên nhiên Lukuru tại Cộng hòa dân chủ Congo, là người phát hiện loài khỉ mới. Vào năm 2007, khi ngắm những bức ảnh về một vùng hẻo lánh ở miền trung Congo do các đồng nghiệp chụp, ông chú ý tới một bức ảnh. Trong bức ảnh ấy, ông thấy một con khỉ trong một làng. Con khỉ chơi cùng một bé gái có tên Georgettewith.


Một con khỉ Cercopithecus lomamiensis sống cùng con người trong làng.

Sau 5 năm nghiên cứu trong các khu rừng gần làng của cô bé Georgettewith, Hart và các cộng sự có đủ bằng chứng để kết luận con khỉ là đại diện của một loài động vật linh trưởng hoàn toàn mới đối với giới khoa học, Livescience đưa tin. Ông đặt tên loài đó là Cercopithecus lomamiensis.

Loài khỉ mới có bộ lông sặc sỡ, với màu lông vàng ở bờm và phần ngực trên, một dải lông màu đỏ ở phần dưới của lưng, lông màu xanh dương ở mông. Chúng sống trong những vạt rừng dày đặc trên một khu vực có diện tích khoảng 17.000km2. Mỗi đàn khỉ C. lomamiensis bao gồm tối đa 5 con. Chúng rất nhát. Thức ăn chính của chúng là trái cây và lá. Khối lượng trung bình của con đực là 7kg, gấp hai lần khối lượng trung bình của con cái.

Với bộ lông nhiều màu, khỉ C. lomamiensis là những con vật nổi bật giữa rừng nhiệt đới. Vào mùa sinh sản, chúng có thể tìm bạn tình dễ dàng nhờ bộ lông.

Lo ngại loài khỉ mới có thể tuyệt chủng bởi nhu cầu của thực khách trong các nhà hàng tại thành phố, Hart đang vận động chính quyền và người dân địa phương thành lập một vườn quốc gia trong khu vực sinh sống của khỉ. Trong lúc chờ sự chấp thuận của giới chức, ông và các đồng nghiệp gắn nhiều camera trong rừng để hiểu rõ hơn tập tính của chúng.

Tham khảo: Science Daily

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất