Phát hiện lăng mộ 4500 tuổi của nữ hoàng Ai Cập vô danh

Các nhà khảo cổ Cộng hòa Séc ở Ai Cập vừa thông báo phát hiện một lăng mộ hoàng gia có nguồn gốc bí ẩn, được cho là của một nữ hoàng vô danh.

>>> Ai Cập phát hiện lăng mộ nữ hoàng có niên đại hơn 3.000 năm

Nhóm khảo cổ dẫn đầu bởi Viện nghiên cứu Ai Cập của Cộng hòa Séc, liên kết với Đại học Charles ở Prague. Họ phát hiện ngôi mộ ở khu nghĩa địa cổ Old Kingdom ở Abusir, phía tây nam của thủ đô Cairo, Ai Cập, gần lăng tẩm của Pharaoh Neferefre, vị vua cai trị Ai Cập trong giai đoạn Vương triều thứ 5 (năm 2498 - 2345 TCN).


Một công trình kim tự tháp xây dựng dở dang từ thời Pharaoh Neferefre ở Abusir, Ai Cập.

Căn cứ việc lăng mộ được tìm thấy bên trong khuôn viên khu lăng mộ của Pharaoh Neferefre, cùng với việc phía trong ngôi mộ mới khai quật có một dòng chữ cho biết chủ nhân của nó là "vợ của nhà vua", nên nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết ngôi mộ là của một nữ hoàng - là vợ của vị hoàng đế Neferefre .

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Mamdouh al-Damaty cho biết, lăng mộ nói trên có thể là của nữ hoàng Khentakawess III (có niên đại 4.500 năm) - nữ hoàng chưa từng được biết đến trong lịch sử nghiên cứu. Cũng theo vị bộ trưởng này, tên của nữ hoàng Khentakawess III chỉ mới được biết đến khi khu lăng mộ được tìm thấy.

Các nhà khảo cổ tìm thấy khoảng 30 đồ tùy táng, trong đó có 24 bình bằng đá vôi, 4 công cụ bằng đồng và một số bức tượng nhỏ trong ngôi mộ.

Phát hiện mới này sẽ giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ một số khía cạnh của Vương triều thứ 5, cùng với Vương triều thứ 4, thời kỳ diễn ra việc xây dựng các kim tự tháp đầu tiên.

Đây được coi là phát hiện quan trọng nhất trong vài năm qua, là minh chứng khẳng định rằng Abusir là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng về sự tái thiết của Ai Cập thời cổ đại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất