Phát hiện loài bạch tuộc mới ở tận độ sâu 7.000m

Các nhà nghiên cứu phát hiện loài bạch tuộc dumbo có tên khoa học Grimpoteuthis imperator ở phía bắc Emperor Seamounts, sống núi dưới biển ở tây bắc Thái Bình Dương.


Mẫu vật bạch tuộc Grimpoteuthis imperator. (Ảnh: Alexander Ziegler).

Nhóm nghiên cứu nhận dạng G. imperator thông qua kết hợp chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính, cùng với phân tích gene xâm lấn tối thiểu tiến hành trên mẫu vật mô. Họ cũng sử dụng các phép đo tiêu chuẩn và ảnh kỹ thuật số để xác nhận G. imperator thực sự là loài mới. Họ đặt tên cho loài bạch tuộc này là dumbo hoàng đế. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Biology hôm 23/4.

Dựa theo mức độ hiếm của mẫu vật, các nhà nghiên cứu cho rằng càng ít mổ xẻ càng tốt. Dù số lượng không nhiều, G. imperator vẫn đóng vai trò quan trọng ở môi trường biển sâu.

Những chi tiết bao gồm hình dáng vỏ, mang, đường tiêu hóa, hệ thần kinh và cơ quan thụ cảm giúp xác định G. imperator là loài riêng biệt. Vỏ, vị trí vây và chiều dài cánh tay góp phần hé lộ nó thuộc chi bạch tuộc dumbo. Tên gọi này xuất phát từ một chú voi trong phim hoạt hình Disney, bởi chúng có hai chiếc vây lớn ở đầu.

Công nghệ quét không xâm lấn sử dụng trong nghiên cứu đang ngày càng phổ biến trong việc nhận dạng những nhóm mới trong vương quốc động vật, nhưng chủ yếu dành cho động vật nhỏ. Nghiên cứu mới cho thấy phương pháp có hiệu quả với cả mẫu vật lớn. Việc đưa G. imperator trở lại môi trường sống nguyên bản sẽ tạo ra khác biệt lớn.

"MRI và dữ liệu chụp cắt lớp mà chúng tôi thu được có thể dùng để phân tích sâu hơn, điều không thể khả thi nếu dùng kỹ thuật xâm lấn thông thường", nhà động vật học Alexander Ziegler, đến từ Đại học Bonn, Đức, cho biết. "Điều này có thể cho phép các nhà nghiên cứu khác rút ra kết luận về đời sống và hành vi của tổ chức sinh vật khó quan sát dưới biển sâu".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất