Phát hiện loài cá cóc sần cực đẹp và hiếm ở Ngọc Linh

Bên cạnh vẻ ngoài ấn tượng, cá cóc sần ngọc linh còn gây ngạc nhiên khi sống ở độ cao 1.800m, trong khi các loài cá cóc trước đây chỉ được tìm thấy ở độ cao 250m - 1.740m.

Các nhà nghiên cứu bò sát, lưỡng cư Việt Nam và Đức vừa phát hiện và công bố một loài cá cóc sần ở cao nguyên miền Trung.


Cá cóc sần ngọc linh - (Ảnh: PHÙNG MỸ TRUNG).

Loài mới có tên khoa học là Tylototriton ngoclinhensis - cá cóc sần ngọc linh. Đây là một phát hiện mới hết sức bất ngờ và thú vị về loài lưỡng cư thuộc bộ lưỡng cư có đuôi Caudata ở Việt Nam.

Cho đến nay, tại Việt Nam đã phát hiện 6 loài cá cóc và những loài này chỉ tìm thấy ở miền Bắc cho đến Nghệ An. Công bố mới này đã giúp các nhà nghiên cứu bò sát, lưỡng cư trong tương lai sẽ phát hiện thêm những loài cá cóc mới khác ở dải miền Trung từ Quảng Bình cho đến Kon Tum.

Trên tạp chí ZooKeys, các nhà nghiên cứu cho biết loài mới đã được chứng minh dựa trên bằng chứng hình thái và sinh học phân tử khác biệt. Đây là một khám phá đặc biệt vì nó là một trong những loài có màu sắc sặc sỡ nhất trong chi Tylototriton và cũng là lần đầu tiên loài cá cóc được ghi nhận ở Tây Nguyên, ở độ cao 1.800m.

Phát hiện này đã lập kỷ lục về độ cao đối với loài cá cóc được phát hiện ở Việt Nam. Trước đây các loài cá cóc được phát hiện chỉ phân bố ở độ cao từ 250m đến 1.740m.

Loài mới nằm cách quần thể Tylototriton gần nhất khoảng 370km, do đó đây cũng là một khám phá quan trọng về mặt tiến hóa và địa lý động vật học.


Đây là một trong những loài có màu sắc sặc sỡ nhất trong chi Tylototriton - (Ảnh: PHÙNG MỸ TRUNG).

Cá cóc sần ngọc linh được tìm thấy lần đầu vào năm 2018. Nhà nghiên cứu bò sát, lưỡng cư, ông Phùng Mỹ Trung, cho hay khi ấy ông đã biết chắc chắn đây là loài mới và sẽ là công bố thú vị nhất đối với bộ lưỡng cư có đuôi Caudata ở Việt Nam.

Nhưng phải mất hơn 4 năm, sau rất nhiều cuộc khảo sát một mình nơi vực sâu, núi cao, ông mới có cơ hội thu đủ mẫu nghiên cứu và chuẩn bị cho công bố loài cá cóc mà ông mô tả là "cực đẹp và cực hiếm" này.

"Tôi phát hiện ra một ổ sinh thái cá cóc sần ngọc linh sau một chuyến đi nghiên cứu ở cao nguyên thuộc miền Trung. Tôi đã chờ đợi đến mùa mưa năm sau với hy vọng tìm thấy các thể trưởng thành kết đôi, đẻ trứng. 

Điều làm tôi bất ngờ nhất là khi nhìn thấy con trưởng thành, nó đẹp đến độ khi cầm mẫu vật mà bàn tay tôi run rẩy, không tin vào mắt mình. 

Trong những năm ấy, ngoài thời gian, công sức và tiền bạc, tôi cũng phải đánh đổi nhiều thứ để có thể tìm ra được loài lưỡng cư xinh đẹp và quý hiếm này. Tôi xin gửi tặng phát hiện thú vị này đến những người đã đồng hành với tôi những lúc khó khăn, gian khổ trong suốt hành trình tìm kiếm loài mới", ông chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung, cá cóc Salamander thuộc bộ lưỡng cư có đuôi Caudata, là loài sinh vật cổ đại còn sót lại trên trái đất. Bộ gene của chúng nhiều gấp 8 lần gene người (khoảng 24GB).

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng để ráp các trình tự hệ gene này lại với nhau, chúng ta cần hệ thống máy tính cực mạnh. Phải mất khoảng 6 tháng phân tích gene và mất khoảng 2 năm mới hiểu biết, hoàn thiện để giải trình tự gene của loài này nhằm nghiên cứu và chúng ta cần một khoản tiền rất lớn để chi phí, thực hiện.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất