Phát hiện loài chim sẻ hiếm nhất thế giới sau 23 năm
Các nhà nghiên cứu tìm thấy loài chim sẻ được cho là hiếm nhất hành tinh ở rừng rậm Brazil sau nhiều tháng dày công tìm kiếm.
Chim sẻ Stresemann's Bristlefront là loài chim đuôi dài có kích thước trung bình với chỏm lông cứng đặc trưng ở phần trán. Các nhà khoa học cho rằng chỉ còn một ít cá thể còn sót lại trên thế giới. Tuy nhiên, hai lần bắt gặp chim sẻ cái vào ngày 12/12 và 14/12 mang đến hy vọng bảo tồn loài chim này trước nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn do môi trường sông tự nhiên thu hẹp, theo Science Alert.
Chim sẻ Stresemann's Bristlefronts (Merulaxis stresemanni) được chú ý lần đầu tiên vào những năm 1830.
Ngoài hình dáng dễ nhận biết, chim sẻ Stresemann's Bristlefronts còn có giọng hót khá đặc biệt. Âm thanh của chúng khác hẳn loài chim họ hàng là chim sẻ Slaty Bristlefront (Merulaxis ater).
Chỉ sinh sống ở một khu vực nhỏ phía đông Brazil, chim sẻ Stresemann's Bristlefronts (Merulaxis stresemanni) được chú ý lần đầu tiên vào những năm 1830. Dường như chúng thường hay lẩn trốn. Sau lần phát hiện đầu tiên, phải đến giữa thế kỷ 20 nhà điểu học người Đức - Brazil Helmut Sick và thầy giáo của ông là Erwin Stresemann mới thu thập được mẫu vật khác.
Chim sẻ Stresemann's Bristlefronts tiếp tục biến mất suốt 50 năm và lần gặp gỡ gần nhất với loài chim này là năm 1995. Hiện nay, các nỗ lực bảo tồn tập trung vào khu vực đông bắc bang Minas Gerais, Brazil.
"Dù chúng tôi bớt lo ngại khi chim sẻ Stresemann's Bristlefront tiếp tục sinh tồn, tương lai của loài chim vẫn còn bấp bênh. Chúng ta cần làm nhiều hơn để xác định vị trí của nhiều cá thể hơn và bảo vệ môi trường sống của chúng", nhà nghiên cứu Amy Upgren ở Tổ chức bảo tồn chim châu Mỹ (ABC), cho biết.