Phát hiện loài khủng long ăn thịt khổng lồ mới từng tồn tại ở châu Phi

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra những dấu chân của một loài khủng long ăn thịt khổng lồ tồn tại ở châu Phi cách đây 200 triệu năm.

Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy những động vật ăn thịt lớn giống như khủng long Tyrannosaurus Rex đã tồn tại trong giai đoạn đầu của kỷ Jura.

Phát hiện trên do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Manchester của Anh, Đại học Cape Town của Nam Phi và Đại học Sao Paulo của Brazil công bố trên Tạp chí khoa học PLOS ONE ngày 25/10.


Nhà khảo cổ bên dấu chân ba ngón của loài khủng long mới.

Loài khủng long mới được phát hiện, với tên gọi "Kayentapus ambrokholohali”, để lại dấu chân ba ngón với kích thước đo được là 57x50cm.

Ước tính sinh vật này có thân hình dài khoảng 9m, gấp 4 lần chiều dài của một con sư tử và nhỏ hơn so với khủng long Tyrannosaurus Rex có chiều dài 12m.

Con khủng long mới được phát hiện cũng là loài “mega theropod” (loài khủng long ăn thịt khổng lồ có hai chân) lớn nhất từng được phát hiện tại châu Phi.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng những loài khủng long ăn thịt lớn ở giai đoạn đầu của kỷ Jura có kích thước nhỏ hơn nhiều, chỉ dài khoảng 3-5m.

Những dấu vết trên được tìm thấy trên một vùng đất ở huyện Maseru của Lesotho.

Thời cổ đại, khu vực này là một phần của siêu lục địa Gondwana mà sau đó tách ra trở thành châu Phi và các vùng đất lớn khác.


So sánh kích cỡ khủng long mới phát hiện và con người.

Những dấu chân này được che phủ dưới những vết gợn sóng và những vết nước khô, chứng tỏ nơi này là một hố nước hoặc bờ sông thời tiền sử.

Bên cạnh đó, những dấu vết của loài khủng long ăn thịt lớn có kích thước nhỏ hơn cũng được phát hiện tại đây.

Theo tiến sỹ Fabien Knoll thuộc Đại học Manchester, phát hiện trên là bằng chứng đầu tiên về một loài động vật ăn thịt khổng lồ ở vùng đất vốn là nơi sinh sống của các loài khủng long ăn thịt có kích thước nhỏ hơn nhiều, cũng như loài khủng long ăn cỏ và ăn tạp.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất