Phát hiện mới: Hươu cao cổ thuộc 4 chủng sinh vật khác nhau

Theo kết quả nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Cell Press journal Current Biolo, hươu cao cổ thuộc 4 chủng sinh vật khác nhau thay vì chỉ thuộc một chủng là loài động vật cổ dài.

Các nhà khoa học thuộc Quỹ Bảo tồn Hươu cao cổ tại Namibia cho biết họ đã lấy mẫu da của 190 con hươu cao cổ thuộc những vùng khác nhau ở châu Phi và tiến hành xét nghiệm, đồng thời tiến hành lấy mẫu của tất cả 9 chủng hươu cao cổ phụ đã biết trước đây.


Khác biệt về gene giữa 4 chủng hươu này tương tự như những khác biệt giữa gấu Bắc Cực và Gấu Nâu.

Qua đó, họ khám phá 4 chủng hươu cao cổ "rất riêng biệt" mà họ cho rằng nên nhận dạng như là những loài riêng biệt, trong đó có hươu cao cổ phương Nam (Giraffa giraffa), hươu cao cổ Masai (G. tippel-skirchi), hươu cao cổ da hình mắt lưới (G. reticulata) và hươu cao cổ phương Bắc (G. camelopardalis).

Những khác biệt về gene giữa 4 chủng hươu này tương tự như những khác biệt giữa gấu Bắc Cực với loài Gấu Nâu.

Tiến sỹ Julian Fennessy thuộc Quỹ Bảo tồn Hươu cao cổ tại Namibia, cho biết với việc xác định được 4 chủng hươu cao cổ nói trên, các nhà khoa học sẽ có cơ sở để xác định và tiến hành hiệu quả công tác bảo tồn loài động vật này, thậm chí có thể đưa chúng vào "Sách Đỏ" những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Điển hình như hươu cao cổ phương Bắc còn dưới 4.750 con, hươu cao cổ da hình mắt lưới chỉ còn dưới 8.700 con - một chủng loại hiếm và là một trong các loài động vật lớn có vú đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.


Số lượng hươu cao cổ ở châu Phi đang sụt giảm mạnh.

Ông Fennessy hy vọng rằng phát hiện mới sẽ góp phần thu hút các hoạt động tài trợ quốc tế để tăng cường bảo vệ 4 chủng hươu này.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, hươu cao cổ, cũng như các loại động vật hoang dã khác tại châu Phi, đang sụt giảm mạnh, từ 150.000 con xuống còn 100.000 con trong 3 thập niên qua.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất