Phát hiện mới trái ngược về bộ não của Einstein

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, bộ não thiên tài của Einstein có cấu tạo không quá khác biệt so với bộ não của người bình thường.

>>> Trưng bày một phần não bộ của thiên tài Einstein

Kể từ khi nhà khoa học Albert Einstein qua đời vào 18/4/1955, các nhà khoa học luôn cố gắng phân tích, giải mã cấu trúc bên trong bộ não của người được coi là có bộ óc vĩ đại nhất của kỷ nguyên hiện đại.

Trước đó, rất nhiều nhà khoa học tin rằng, cấu tạo não bộ của Einstein có nhiều khác biệt so với nhân loại. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của tiến sĩ Terence Hines thuộc ĐH Pace (New York, Mỹ) đã chỉ ra, những nghiên cứu trước đó có thể đã nhầm lẫn. Nếu như theo nghiên cứu đó thì bộ não của Einstein không có gì quá khác biệt so với bộ não của người bình thường.

Năm 1985, một nghiên cứu đã chỉ ra bộ não của nhà bác học Einstein có số lượng tế bào thần kinh đệm nhiều hơn so với một người có trí tuệ vừa phải. Các tế bào thần kinh đệm còn được gọi là neuroglia - có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng để các nơ-ron thần kinh hoạt động, giúp các tế bào não có thể giao tiếp với nhau.

Người đứng đầu nghiên cứu - Diamond đã báo cáo rằng, bộ não của Einstein có tỷ lệ các tế bào thần kinh đệm nhiều hơn so với các bộ não khác. Bà đã đưa ra giả thuyết, số lượng tế bào thần kinh đệm trong não Einstein tăng lên để phục vụ cho nhu cầu trao đổi chất lớn của các nơ-ron thần kinh. Nói cách khác, Einstein cần nhiều tế bào thần kinh đệm hơn để dọn dẹp "rác thải" trong quá trình suy nghĩ liên tục của mình.

Tuy nhiên, tiến sĩ Terence Hines cho rằng, nếu chỉ dựa vào nghiên cứu tế bào thần kinh đệm là không có căn cứ. Hơn thế, tế bào thần kinh đệm liên tục được phân chia trong suốt cuộc đời mỗi người.

Bên cạnh đó, ông nói về 28 bài kiểm tra được thực hiện vào năm 1985 nhằm so sánh não của Einstein cùng chức năng kiểm soát, nhận thức não. Ông cho rằng, nghiên cứu này chỉ đúng trong thời điểm đó chứ nhưng không đủ chính xác ở thời điểm hiện tại.

Hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện trên lát cắt bộ não của Einstein. Những lát cắt não này là công sức của nhà nghiên cứu bệnh học Thomas Stoltz Harvey (1912 - 2007) - người từng đảm nhiệm việc giải phẫu tử thi của nhà bác học lừng danh thế giới Albert Einstein. Ông đã cẩn thận giữ lại một phần não và chia tách bộ óc của Albert Einstein thành 170 phần, đem bảo quản cẩn thận tại phòng thí nghiệm.


Thomas Stoltz Harvey và mẫu não của Einstein

Tiến sĩ Hines và các cộng sự đã phân tích lát cắt não và chỉ ra về cơ bản không có nhiều sự khác biệt giữa bộ não cùng chức năng nhận thức của người thường. Bởi vậy ông cho rằng: "Nếu chỉ dựa vào những phân tích trên một hoặc một vài lát cắt nhỏ của bộ não mà đưa ra kết luận về khả năng nhận thức cụ thể của não bộ ở một người là không đủ thuyết phục. Chúng ta cần tìm thêm nhiều tài liệu khoa học có cơ sở hơn".

Một lần nữa, tiến sĩ Hines đã chỉ ra những kết luận thiếu căn cứ trong nghiên cứu khoa học thần kinh. Hy vọng rằng, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, chúng ta sẽ có lời giải đáp trong tương lai không xa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất