Phát hiện mới về "loài rồng duy nhất trên Trái đất"
Nghiên cứu mới của Đại học Quốc gia Australia chứng minh rằng rồng Komodo từng sống tại Australia, lai tạo với các loài bò sát khác và vượt đại dương đến Indonesia.
Theo trang The Guardian, một nghiên cứu về di truyền mới đây tiết lộ rằng, loài rồng Komodo ở Indonesia, loài bò sát lớn nhất còn tồn tại, có mối liên hệ với một loài thằn lằn chỉ có ở Australia, nơi cách đó một đại dương rộng lớn.
Nghiên cứu nói trên của Đại học Quốc gia Australia là lời giải thích cho các phát hiện của nhiều nhà khoa học về một số hóa thạch rồng Komodo tại Australia.
Cụ thể, nhà sinh học tiến hóa và là tác giả chính của nghiên cứu, Carlos Pavón Vázquez, cho biết khi tìm hiểu sâu hơn vào dữ liệu di truyền, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rồng Komodo đã lai tạo với tổ tiên của loài thằn lắn cát Monitor, một loại bò sát khác chỉ có ở Australia.
Nghiên cứu mới chứng minh rồng Komodo từng lai tạo với thằn lằn cát Monitor ở Australia. (Ảnh: AROD).
Chuyên gia Pavón Vázquez nói: “Những gì chúng tôi phát hiện là cách đây hàng triệu năm, gene của loài rồng Komodo đã bị lai tạo, nghĩa là chúng đã kết hợp với một loài thằn lằn khác”.
Ông cũng cho biết đây là lần đầu tiên giới khoa học có được bằng chứng rõ ràng về hành vi giao phối giữa các loài thằn lằn hoang dã với nhau.
“Để kết hợp với thằn lằn cát Monitor, hai loài bò sát này phải sống cùng nhau. Vì vậy, rồng Komodo đã từng ở đây, lai tạo với các loài khác, sau đó vượt biển khi thủy triều rút và bằng cách nào đó đã dạt vào Indonesia và tuyệt chủng ở Australia”, Pavón Vázquez chia sẻ thêm.
Hai loài này sau đó bị ngăn cách bởi đại dương và không bao giờ tiếp xúc với nhau nữa.
Theo chuyên gia Pavón Vázquez, nghiên cứu này đã giúp ông và nhóm của mình lấp đầy những khoảng trống về những gì đã xảy ra trước khi rồng Komodo tuyệt chủng ở lục địa phía nam.
- Sự thật về 12 loài rắn cực độc trên thế giới
- Sự sống trên Trái đất sẽ chấm dứt sau một tỷ năm nữa?
- Tại sao rùa sau khi được cứu khỏi vùng biển bị tràn dầu sẽ được cho ăn sốt mayonnaise?