Phát hiện nhân tố biến đổi gene điều trị ung thư vú
Các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện một nhân tố biến đổi gene, có thể mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân ung thư vú.
Nhân tố này là phân tử ELF5, cho phép các bác sỹ biến đổi tế bào ung thư, khiến các liệu pháp điều trị như kháng kích thích hoócmôn nữ (anti-oestrogen) trở nên hiệu quả hơn.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Y học Garvan tại Sydney cho thấy phân tử ELF5 có thể khiến các tế bào gene được kích hoạt hoặc ngừng hoạt động.
Nhờ việc điều khiển các phân tử này, độ nhạy của tế bào ung thư vú đối với liệu pháp điều trị kháng kích thích hoócmôn nữ được tăng lên đáng kể.
Giáo sư Chris Ormandy cho biết: "Các phân tử ELF5 quyết định việc tế bào ung thư phản ứng với liệu pháp kháng kích thích hoócmôn nữ".
Phát hiện này đã lần đầu tiên chứng minh có sự tương tác giữa phân tử ELF5 và bệnh ung thư vú. Trước đó, phân tử này được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ormandy phát hiện có trong tất cả các tế bào ung thư vú từ năm 1999.
Đến năm 2008, chính nhóm này cũng đã chứng minh được ELF5 kích thích quá trình tiết sữa ở phụ nữ.
Khám phá trên được cho là sẽ mở ra triển vọng điều chế thuốc đặc trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân ung thư vú cũng có thể tránh được nguy cơ phải sử dụng các biện pháp điều trị độc hại khác như hóa trị liệu.
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất, đồng thời là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với phụ nữ.
Năm 2008, Australia có tới 13.600 bệnh nhân ung thư vú và sau 5 năm điều trị, tỷ lệ sống sót là 89%.