Phát hiện nhiều cột dung nham lạ trên sao Hỏa
Một sinh viên Mỹ vừa phát hiện những dòng dung nham trông như cuộn dây thừng ở gần xích đạo của sao Hỏa. Đây là lần đầu tiên phát hiện đặc điểm địa chất như thế ở một nơi ngoài trái đất.
Kiểu dòng dung nham núi lửa quanh co này có thể tìm thấy trên Đảo Lớn của Hawaii và đáy Thái Bình Dương. Nhưng đây là lần đầu tiên phát hiện sao Hỏa cũng có đặc điểm tương tự.
Đây là phát hiện của Andrew Ryan, sinh viên đã tốt nghiệp ĐH Bang Arizona. Ryan báo cáo khám phá này trên tạp khí Science số ra ngày 27/4.
Nhưng điều ngạc nhiên nhất là cột dung nham trên sao Hỏa rộng 30,5m - rộng hơn bất kỳ cột dung nham nào trên trái đất. Đây là bằng chứng củng cố thêm luận điểm rằng núi lửa trên sao Hỏa vừa hoạt động - về mặt địa chất thì trong khoảng 20 triệu năm.
Ryan đã phân tích khoảng 100 bức ảnh có độ phân giải cao do Tàu thám hiểm sao Hỏa Mars Reconnaissance Orbiter chụp từ năm 2006. Ryan phát hiện 269 cột dung nham rộng từ 5 - 30,5m.
Dòng dung nham hình xoắn ốc trên sao Hỏa.
Nhà khoa học nghiên cứu các hành tinh David Paige ở ĐH California nói rằng phát hiện này cung cấp bằng chứng đáng thuyết phục về các hoạt động núi lửa trên sao Hỏa.
Không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy khu vực này ngày nay vẫn còn hoạt động núi lửa. Ryan cho rằng các cuộn dung nham có thể còn có ở những nơi khác trên hành tinh đỏ.
Các nhà khoa học tin rằng những dòng dung nham nung chảy chảy qua các thung lũng trên sao Hỏa tới một vùng lòng chảo rất rộng. Các cột dung nham xoắn ốc được hình thành khi dòng dung nham được làm mát.
Từ hơn một thập kỷ nay, các nhà khoa học luôn tranh luận liệu mê cung những thung lũng gần xích đạo của sao Hỏa có bị tác động bởi các quá trình đóng băng hay núi lửa phun trào hay không.