Phát hiện nhiều loài dược liệu quý ở các đảo lớn Nam Bộ
Hàng trăm loài cây dược liệu ở các đảo lớn gần bờ vùng Nam Bộ đã được PGS.TS Đặng Văn Sơn và cộng sự phát hiện, phân lập các hoạt chất quý để ức chế tế bào ung thư ở người.
Hàng loạt cây quý được phát hiện
PGS.TS Đặng Văn Sơn và cộng sự Viện Sinh học nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa xây dựng thành công cơ sở dữ liệu về tài nguyên cây dược liệu ở các đảo lớn gần bờ vùng Nam Bộ.
Thiên niên kiện Côn Đảo là loài dược liệu mới được mô tả, công bố.
Các thông tin được quản lý, sử dụng bằng phần mềm chuyên ngành và tương thích với hệ thống dữ liệu toàn cầu GBIF. Kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng vào việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tại khu vực.
Theo PGS.TS Đặng Văn Sơn, ở Việt Nam, nguồn cây dược liệu mọc tự nhiên cung cấp 10.000 - 20.000 tấn mỗi năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Nhiều loại dược liệu có giá trị kinh tế cao thường xuyên được xuất khẩu.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, thiên tai, nạn khai thác không hợp lý… nên nguồn tài nguyên cây dược liệu nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê, có 144 loài được đưa vào diện bảo tồn ở Việt Nam.
Nam Bộ là phần đất tận cùng ở phía Nam Việt Nam, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu sâu về tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên cây dược liệu trên khu vực này. Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát tại 6 đảo lớn gần bờ gồm: Phú Quốc, Côn Đảo, Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Tre và Long Sơn.
Qua khảo sát đã ghi nhận có 1.113 loài thuộc 620 chi, 166 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch, bao gồm ngành thông đất (Lycopodiophyta), dương xỉ (Polypodiophyta), thông (Pinophyta) và ngọc lan (Magnoliophyta). Trong đó, có 99 loài cây dược liệu có giá trị bảo tồn theo Sách Đỏ Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công bộ cơ sở dữ liệu số cho 300 số hiệu mẫu của 117 loài cây dược liệu ở các đảo lớn gần bờ vùng Nam Bộ trên phần mềm BRAHMS. Nhóm cũng thu thập được 351 mẫu tiêu bản và lưu trữ tại Bảo tàng động vật - thực vật (thuộc Viện Sinh học nhiệt đới).
Đồng thời, PGS.TS Đặng Văn Sơn và cộng sự đã phân lập, xác định cấu trúc 4 hợp chất của đại cán tam sắc (Macrosolen tricolor), một loài cây dược liệu tiềm năng. Hoạt tính sinh học của cao chiết này cho thấy chúng có hoạt tính ức chế, kháng viêm và gây độc tế bào ung thư vú.
Đặc biệt, trong số các loài cây dược liệu đã ghi nhận, có 1 loài mới được mô tả và công bố cho khoa học tên là thiên niên kiện Côn Đảo - Homalomena perplexa K.Z.Hein, Vuong, Bao & V.S.Dang. Loài này được phát hiện ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và được công bố ở tạp chí quốc tế Taiwania.
PGS.TS Đặng Văn Sơn.
Tính đến nhân giống dược liệu quý
PGS.TS Đặng Văn Sơn chia sẻ, nguồn tài nguyên cây dược liệu ở các đảo lớn gần bờ vùng Nam Bộ khá đa dạng và phong phú. Trong đó, nhiều loài dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu biển đảo, có giá trị kinh tế cao như sâm Côn Đảo, kỳ nam kiến, huyết rồng, mỏ quạ nam, hồng sim, thiên niên kiện, thiên niên kiện Côn Đảo, núc nác, đại cán tam sắc… Nhóm dược liệu này cần được tiếp tục nghiên cứu về mô hình trồng và sớm mở rộng việc nhân giống ở địa phương nhằm cải thiện thu nhập cho người dân biển đảo.
Trong số này, nhiều loài còn là nguồn nguyên liệu chiết xuất, tinh chế hoạt chất sử dụng trong các chế phẩm sinh học như viên nang, viên nén, trà hòa tan, siro,... các sản phẩm này thường dễ sử dụng, có hiệu quả cao và chi phí thấp.
Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận được 20 bài thuốc dân gian của người dân địa phương có sử dụng đơn loài hoặc nhiều loài dược liệu kết hợp. Tuy nhiên, nhiều đảo đặc biệt là các đảo xa bờ vẫn chưa được khảo sát.
“Nhóm mong muốn tiếp tục mở rộng nghiên cứu để có cơ sở dữ liệu đầy đủ và toàn diện hơn trong tương lai về các loài dược liệu quý trên các đảo gần bờ Nam Bộ. Việc nghiên cứu thành công có vai trò rất lớn, giúp tạo sinh kế cho người dân vùng biển đảo, đồng thời phát triển được các sản phẩm chăm sóc sức khỏe an toàn.
Khi xác định được loài, hoạt chất, việc nhân giống để trồng rộng rãi tại địa bàn không khó. Đây là các loài chứa những hoạt chất quý nên tiềm năng phát triển rất lớn”, PGS.TS Đặng Văn Sơn cho biết.
PGS.TS Đặng Văn Sơn là tác giả và đồng tác giả của 200 bài báo khoa học, trong đó có hơn 100 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI/SCIE, tác giả và đồng tác giả của 3 sách chuyên khảo chuyên ngành thực vật.
- Trung Quốc: Phát hiện “khối thịt bầy nhầy”, không ngờ là vật quý hơn 35 tỷ đồng?
- Nhân sâm ngâm rượu 7 năm bỗng nở hoa xanh biếc
- Loại cây là "dược liệu vàng" giúp kiểm soát đường huyết, hạ huyết áp hiệu quả