Phát hiện nơi Adam và Eva ăn trái cấm
Các nhà khảo cổ vừa phát hiện ra vùng đất Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiều đặc điểm trùng với khu vườn Eden, còn gọi là vườn địa đàng - nơi Adam và Eva ăn trái cấm.
Gobekli Tepe, nằm ở phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ, do một mục dân phát hiện năm 1994, là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất trong 50 năm qua.
Những khám phá ở khu vực này đã tạo ra một cuộc cách mạng hóa về cách nhìn nhận lịch sử loài người, nguồn gốc của tôn giáo và có thể là sự thật đằng sau khu Vườn Eden huyền thoại, nơi mà Adam và Eva đã ăn trái cấm theo lời kể trong kinh thánh.
Vài tuần sau khi phát hiện, các nhà khoa học đổ về Gobekli Tepe và bắt đầu quá trình khám phá, khai quật. Klaus Schmidt, nhà khảo cổ học người Đức, cho biết: “Ngay khi tới đây, tôi có suy nghĩ rằng, nếu mình không ngay lập tức rời khỏi thì sẽ gắn bó cả đời ở đây”.
Schmidt đã ở lại và khám phá được nhiều điều bí ẩn. Hiếm có một khu vực khảo cổ nào lại nhận được sự nhất trí cao của các nhà khoa học về tầm quan trọng đến như vậy.
Gobekli Tepe bao gồm những tảng đá thuôn dài hình chữ nhật, được dựng trên những tấm cự thạch phẳng, khiến nhiều người liên tưởng tới vòng tròn đá Stonehenge.
Hầu hết những tảng đá được khắc những hình vẽ rất tinh tế và kỳ lạ, với phần lớn là hình các con vật gần giống như vịt hay lợn rừng, những con rắn dài, thậm chí cả tôm và sư tử cùng các nét vẽ miêu tả hoạt động săn bắn, các trò chơi.
Những tảng đá đó còn có những hình vẽ rất giống với hình dạng con người. Về chức năng, các nhà khảo cổ học tin rằng, Gobekli Tepe trước đây là một thánh đường hoặc khu vực hành lễ.
Cho đến nay, đã có 45 tảng đá được đào lên và sắp xếp theo vòng tròn, mỗi tảng cách nhau 4,5m đến 6,4m. Theo các nghiên cứu về từ tính học, còn có hàng trăm những tảng đá tương tự ở khu vực này, mà con người chưa khám phá hết.
Nếu chỉ có như vậy, Gobekli Tepe đơn giản giống Stonehenge của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một vài nhân tố độc đáo được khám phá đã đưa khu vực này trở thành một địa điểm đặc biệt, một kho tàng của các điều kỳ thú.
Đầu tiên là về “tuổi thọ”, theo khảo sát cacbon, tổ hợp này ít nhất tồn tại từ 12.000 năm nay. Điều đó có nghĩa nó được xây dựng trong khoảng năm 10.000 trước Công nguyên. Trong khi đó, Stonehenge được hình thành từ năm 3.000 trước Công nguyên, còn kim tự tháp Giza là năm 2.500 trước Công nguyên. Có thể thấy, Gobekli là khu vực có công trình xây dựng “già” nhất trên thế giới, trước cả khi xuất hiện đồ gốm hay chữ viết.
Làm cách nào người nguyên thủy có thể xây dựng được một công trình đầy tham vọng như vậy?
Ngày nay, xung quanh Gobekli là khu đất đất khô cằn. Tuy nhiên, theo những chạm khắc trên phiến đá cũng như những vết tích khảo cổ còn sót lại, nơi đây từng là một mảnh đất xanh tươi, màu mỡ, với những dòng sông đầy cá, chim muông để săn bắn, các thảm cỏ xanh và cây quả dại.
10.000 năm trước, khu sa mạc này từng là một thiên đường. Điều gì đã phá hủy môi trường nơi đây? Câu trả lời rất có thể là... con người.
Khi loài người bắt đầu canh tác, đã làm thay đổi khí hậu cũng như cảnh quan nơi đây. Khi cây bị chặt bỏ, tất cả những việc cày cấy, thu hoạch khiến cho đất bị xói mòn và khô cằn. Như thế có nghĩa là “thiên đường bị đánh cắp”.
Giống như trong kinh thánh viết: “Kẻ săn bắn Adam đã bị buộc rời khỏi thiên đường Eden và bị đày tới Trái đất”. Có rất nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy, những người viết sách kinh thánh, khi đề cập đến Eden thực chất là miêu tả khu vực của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ này.
Trong cuốn sách của Genesis, Eden nằm ở phía Tây Assyra và đó cũng chính là nơi tìm thấy Gobekli. Tương tự, Eden giáp với 4 dòng sông, bao gồm sông Tigris và Euphrates. Gobekli nằm đúng giữa hai con sông này.
Trong một cuốn sách của Assyra có nhắc đến “Beth Eden”, một ngôi nhà ở Eden, vương quốc nhỏ này nằm cách Gobekli Tepe 50 dặm. Bản thân từ Eden theo tiếng Sumeri có nghĩa là “đồng bằng” và Gobekli nằm trên khu vực đồng bằng của Harran.
Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, bằng chứng tỏ ra khá thuyết phục. Gobekli Tepe là “thánh địa ở Eden”, được xây dựng bởi những người tổ tiên “nhàn nhã” của loài người, những người có thời gian để chạm khắc ra nghệ thuật, kiến trúc hay những lễ nghi phức tạp trước khi nông nghiệp làm thay đổi phong cách sống và hủy hoại thiên đường của họ.
Khoảng 8.000 năm trước Công nguyên, những người sáng tạo ra Gobekli đã cho lấp ngôi đền này dưới hàng nghìn tấn đất đá, tạo thành một khu đồi như hiện nay.
Không ai biết tại sao Gobekli lại bị vùi sâu dưới lòng đất. Có lẽ đó là một sự hy sinh cho đấng tối cao đang tức giận hay đó là sự sám hối cho những tội ác và hình phạt hà khắc, mà những tảng đá tín ngưỡng này góp phần vào.
Dù câu trả lời là gì, những tảng đá ở Gobekli Tepe dường như muốn cảnh báo con người nhìn vào những sự thật mà họ đang tạo ra, vì chính con người phá hủy khu vườn Eden đầu tiên trên thế giới.