Phát hiện ra loại gene gây bệnh thận IgAN ở người

Viện nghiên cứu Khoa học - Công nghệ Singapore ngày 3/1 công bố, nhóm các nhà khoa học nước này và Trung Quốc vừa nhận dạng được loại gene mới dễ gây bệnh thận IgAN, căn bệnh hiện đang tác động tới một lượng lớn dân số châu Á.

Khám phá này đã giúp các nhà khoa học tiến tới những hiểu biết sâu hơn, những nghiên cứu sâu hơn để vạch ra phác đồ điều trị bệnh Immunoglobulin A Nephropathy, viết tắt là IgAN. Đây là một thể viêm cầu thận mạn tính, được Berger và Hinglais mô tả lần đầu tiên vào năm 1968, với đặc điểm giải phẫu - miễn dịch bệnh lý là có IgA (một loại globulin miễn dịch) lắng đọng tại gian mạch cầu thận.

Loại gene này được phát hiện sau khi nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi giám đốc Viện Gene của Singapore (GIS) ông Lưu Kiến Quân cùng với ông Dục Tuyết Thanh thuộc bệnh viện First Affiliated của trường Đại học Yat-Sen, Quảng Đông, Trung Quốc tiến hành một nghiên cứu gene quy mô lớn để phát hiện IgAN trong một số lượng lớn dân số Trung Quốc.

Bệnh IgAN hiện rất phổ biến tại châu Á với Tỷ lệ nhiễm bệnh cao tới 3,7%, trong khi tỷ lệ này ở những người da trắng chỉ 1,3% và một vài trường hợp riêng lẻ khác ở những người gốc châu Phi. Theo thống kê, bệnh này đã khiến từ 15-40% bệnh nhân châu Á rơi vào tình trạng hư thận và phải tiến hành ghép thận mới.

Ông Lưu cho biết phát hiện trên là một bước đột phá trong công trình nghiên cứu về bệnh IgAN. “Thật thú vị khi chúng tôi phát hiện ra rằng một số biến thể gene có thể tác động và cho thấy biểu hiện lâm sàng và lây nhiễm của bệnh", ông Lưu nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất