Phát hiện ra loài vẹt mào có khả năng chế tác và sử dụng một bộ công cụ làm từ gỗ

Loài vẹt mào Goffin (danh pháp Cacatua goffiniana) có trí khôn tương đương một đứa trẻ 3 tuổi. Nhưng xuyên suốt lịch sử loài người, ta đã thấy đứa trẻ 3 tuổi nào tự chế tác dao và thìa dùng bữa chưa?

Các nhà khoa học quan sát vẹt hoang dã và phát hiện ra chúng chế tạo ra những dụng cụ có công năng tương tự xà beng, cuốc và thìa để lấy hạch những thứ quả chúng yêu thích. Đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu phát hiện ra một loài chim chế tác và sử dụng công cụ theo bộ. Đây là hành vi mới chỉ xuất hiện trên người, tinh tinh và khỉ mũ.


Vẹt mào Goffin sư dụng công cụ mảnh, công cụ cỡ vừa và công cụ cứng chắc để lấy hạch quả wawai.

Theo nhận định của Alex Taylor, một nhà sinh vật học chuyên môn về quạ công tác tại Đại học Auckland, nghiên cứu mới “hậu thuẫn ý tưởng cho rằng vẹt sở hữu một trí thông minh đại trà cho phép chúng sáng tạo những cách giải quyết vấn đề chúng gặp phải ngoài tự nhiên”, đồng thời chỉ ra “đây là một trong những loài chim hoang dã sử dụng công cụ hiệu quả nhất”.

Người tình cờ phát hiện ra khả năng này là nhà sinh thái học hành vi Mark O’Hara trong chuyến nghiên cứu tại Indonesia. “Vừa quay đi và quay lại, tôi đã bắt gặp ngay cảnh một trong số những con vẹt đang chế tạo và sử dụng công cụ. Không thể tin vào mắt mình!”, anh hồ hởi nhớ lại.

Vẹt mào Goffin nổi tiếng khôn khéo và học kỹ năng giao tiếp tốt. Trong môi trường phòng thí nghiệm, những con vẹt này đã giải được câu đố do các nhà nghiên cứu bày ra, đồng thời chế tạo được những công cụ có hình dáng tựa bồ cào từ những vật liệu nhặt nhạnh được. Nhiều loài chim khác cũng có thể chế tác và sử dụng công cụ ngoài tự nhiên, thường với mục đích lấy thức ăn, nhưng chưa loài chim nào có khả năng tạo ra một bộ công cụ.


Nghiên cứu trước đây cho thấy vẹt Goffin có thể tạo ra que khều đồ ăn.

Trong nghiên cứu mới, anh O’Hara và cộng sự tới đảo Tanimbar để tiến hành quan sát vẹt, tuy nhiên những con vật hoang dã không mấy hứng thú với khoa học. Những con chim sống trên những tán cây cao khiến việc quan sát khó khăn, và trong suốt 900 tiếng video quay lại được, những con vẹt mào Goffin không sử dụng công cụ tới một lần.

Để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, nhóm đã mang 15 cá thể vẹt về phòng thí nghiệm, dự định quan sát chúng trong vài tháng rồi thả. Sở hữu mỏ cong và cứng, vẹt mào Goffin có thể ăn được rất nhiều loại quả. Chúng không nao núng trước đu đủ hay dừa non, vàcó thể dùng mỏ đục vỏ ngon lành. “Chúng ham chơi, nhặt và nhá những que gỗ nhỏ nhưng đều không có mục đích”, anh O’Hara nói.

Rồi ngày định mệnh của tháng 6/2019 tới, anh O’Hara đang quan sát vẹt mào hoang dã trong rừng thì thấy quả cây rơi trên nền đất với dấu mỏ vẹt. Thành viên đoàn nghiên cứu và cũng là người địa phương xác định vật thể hình trứng này là quả xoài biển, hay “wawai” trong phương ngữ, vừa mới vào mùa ra quả. Wawai có kích cỡ tương đương một quả bơ nhỏ và độc với con người nhưng rõ ràng, vẹt vẫn ăn được.

O’Hara mang wawai về cho 15 con vẹt trong phòng thí nghiệm và quan sát phản ứng của chúng. Ở trong lớp vỏ ánh đỏ, lớp thịt dày là một vỏ hạt cứng chứa hạch giàu dinh dưỡng. Việc tiếp cận hạch quả là rất khó, ngay cả với chiếc mỏ cứng của vẹt mào Goffin.

Và O’Hara ngạc nhiên tột độ khi thấy một con vẹt đực dùng mỏ nạo vỏ, vặt lấy một cành cây nhỏ trên cây, mổ liên tục để cành cây có được một “độ sắc” nhất định. Cầm quả trên chân trái và giữ thăng bằng với chân phải, con vẹt dùng lưỡi luồn công cụ mới sắm vào khe quả hạch và bẩy tung lớp vỏ. Tiếp đó, vẹt tạo một công cụ nhỏ và mảnh để xiên vào lớp vỏ bọc hạch. Cuối cùng, nó tạo ra một công cụ gỗ mỏng tương tự thìa để múc hạch ra.


Vẹt mào Goffin.

Nhóm nghiên cứu cung cấp cho vẹt một lượng quả lớn, nhưng chỉ hai con đực đã chế tạo và sử dụng công cụ để ăn hạch quả. “Nếu như xu hướng sử dụng công cụ này có sẵn trong gen, thì con vẹt nào cũng đã làm thế rồi”, nhà nghiên cứu O’Hara nói. “Bởi lẽ chỉ vài con có khả năng tạo công cụ, nhiều khả năng vẹt đã tự sáng chế ra chúng”. Anh nói thêm về việc có thể vẹt đã học được từ đồng loại khi sống trong tự nhiên.

Trong nhóm những con được bắt về, đa số những con vẹt khác đều còn non nhưng cũng đã tò mò quan sát những cá thể tiền bối. Chúng có nhặt những thứ công cụ kia lên để chơi nhưng có lẽ, vẹt non còn quá nhỏ để tự lấy hạch quả cho mình. “Chúng tôi biết tới việc chúng giao tiếp với nhau trong môi trường nuôi nhốt, nhiều khả năng ngoài tự nhiên cũng vậy”, Berenika Mioduszewska, nhà thần kinh học và đồng tác giả nghiên cứu cho hay.

Từ lúc phát hiện ra những công cụ gỗ của vẹt, nhóm nghiên cứu thấy thêm những quả wawai khác không chỉ có vết xước, mà còn bị găm công cụ lên nữa. Chẳng hay ta sắp có ngành nghề mới, khảo cổ nhưng với loài chim?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất