Phát hiện rìu đá niên đại khoảng 5.000 năm tại Quảng Bình
Việc tìm thấy hai chiếc rìu đá minh chứng cho sự tồn tại của người nguyên thủy từ thời đại đồ đá tại vùng núi Trường Xuân.
Chiều 21/5, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình cho biết, trong đợt khảo sát, sưu tầm mới đây của bảo tàng này tại các bản làng của người dân tộc Vân Kiều như: Khe Dây, Khe Ngang, Nà Lâm, Lâm Ninh, Hang Chuồn… thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), hai chiếc rìu đá là công cụ chặt của người nguyên thủy đã được phát hiện.
Chiếc rìu được ghè đẽo bằng đá silic có màu vàng, tiết diện dọc hình chữ V.
Tại bản Khe Dây, ông Hồ Ngã, người Vân Kiều có lưu giữ một chiếc rìu được ghè đẽo bằng đá silic có màu vàng, tiết diện dọc hình chữ V, được mài nhẵn toàn thân, lưỡi rìu bị mòn. Chiếc rìu này được ông Ngã nhặt được trong một chuyến đi rừng.
Đoàn khảo sát cũng phát hiện một chiếc rìu đá có vai vuông với niên đại tương tự tại nhà ông Hồ Xe, ở bản Nà Lâm.
Rìu đá vai vuông.
Hai chiếc rìu này có từ thời đại đồ đá, thuộc hậu kỳ đá mới với niên đại ước khoảng 4.500 - 5.000 năm trước. Điều này chứng minh cho sự tồn tại của người nguyên thủy từ thời đại đồ đá tại vùng núi Trường Xuân.
Theo Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, đây là những phát hiện mới của khảo cổ học về vùng đất này, đánh dấu vào bản đồ khảo cổ học của Quảng Bình thêm một địa điểm mới về thời đại đồ đá.