Phát hiện siêu quái thú 40 tấn, xương làm thủng cả đường nhựa

Những phần xương của con quái thú 90 triệu năm tuổi nặng tới nỗi gây ra tai nạn cho xe chuyên chở; khúc xương rơi khỏi xe không những không sứt mẻ mà còn làm thủng cả mặt đường.

Theo Live Science, những mẩu xương hóa thạch đầu tiên của sinh vật nói trên được phát hiện vào năm 2018 trong tình trạng lộ ra một nửa trên những ngọn đồi của "thảo nguyên quái thú" Patagonia ở tỉnh Rio Negro - Argentina.

Khu vực này là nơi các nhà khảo cổ từng tìm thấy nhiều khủng long và động vật khổng lồ cổ đại.


Một trong những chiếc xương của con quái thú, được bọc thạch cao để vận chuyển - (Ảnh: Nicolas Chimento).

Cho đến nay, các nhà khoa học đã thu thập được 7 phần xương khác nhau của con quái thú, bao gồm các phần của phần chân trước, chân sau, xương hông.

Mỗi khúc xương của nó nặng đến nỗi các nhà khảo cổ phải "di chuyển từng chút một bởi nhiều người". Nó thậm chí khiến phương tiện chuyên chở mất cân bằng, gây ra tai nạn trên đường đến thủ đô Buenos Aires để nghiên cứu, may mắn không có ai bị thương nặng.


Các nhà khảo cổ bên một số phần xương hóa thạch được khai quật - (Ảnh: Nicolas Chimento).

Xương con quái thú bay thẳng xuống đường nhưng không hề hư hại mà lại làm hỏng cả mặt đường. Vụ tai nạn đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học đặt tên cho loài mới này là Chucarosaurus diripienda.

Trong ngôn ngữ Quechua bản địa, chucaro là "động vật cứng rắn và bất khuất"; trong khi diripienda trong tiếng Latin có nghĩa là "bị ném đi".

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Fernando Novas từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bernadino Rivadavia ở Buenos Aires đã xác định nó là một titanosaurus (thằn lằn hộ pháp), nhóm to lớn nhất của nhánh khủng long chân thằn lằn sauropod.

Sauropod là những con khủng long ngoại cỡ với những chiếc chân khổng lồ, cổ dài, đuôi dài và ăn cỏ.

Quái thú này nặng khoảng 30-40 tấn khi còn sống, với chiều dài lên tới 30m. Nó sống vào khoảng 90 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng - thời đại hoàng kim của khủng long khổng lồ.

Nghiên cứu về quái thú "mình đồng da sắt" này đã được công bố trên tạp chí Cretaceous Research.


Ảnh đồ họa mô tả thằn lằn hộ pháp - (Ảnh: Sebastián Rozadilla).

Tuy to lớn như vậy nhưng nó vẫn chưa phải loài khủng long lớn nhất thế giới từng được ghi nhận. Một số thằn lằn hộ pháp khác từng được khai quật ở Argentina như Patagotitan, Argentinosaurus hay Notocolossus có thể nặng tới 70 tấn.

Trong khi đó chiều dài kỷ lục đang thuộc về Supersaurus, sống cách đây khoảng 150 triệu năm ở miền Tây nước Mỹ, dài 39m.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất