Phát hiện siêu Trái đất màu đỏ có thể sống được và gần chúng ta

Quanh một ngôi sao lùn đỏ mờ có tên Ross 508 cách chúng ta chỉ 36,5 ánh sáng, các nhà khoa học vừa tìm thấy thứ có thể là bản sao phóng to của Trái đất: Siêu Trái đất Ross 508 b.

Nghiên cứu mới từ nhà thiên văn học Hiroki Harakawa từ nhóm điều hành Kính viễn vọng Subaru (đặt tại Hawaii - Mỹ) của Đài quan sát thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) cho thấy Ross 508 b là một hành tinh đầy hứa hẹn cho cuộc săn tìm sự sống.


Ảnh đồ họa mô tả siêu Trái đất màu đỏ thẫm vừa được phát hiện - (Ảnh: SMM/IAC)

Đó là một hành tinh có khối lượng gấp 4 lần Trái đất, quay quanh ngôi sao mẹ màu đỏ thẫm 10,75 ngày/lần. Đó là một quỹ đạo vô cùng hẹp so với Trái đất, nhưng vì Ross 508 là một ngôi sao lùn đỏ mát hơn Mặt Trời nhiều, nên vô tình khoảng cách gần đó khiến hành tinh nằm ngay cạnh rìa ngoài của "vùng sự sống".

"Vùng sự sống" - Goldilocks - của một ngôi sao là một vùng nơi mà các điều kiện nhiệt độ, bức xạ phù hợp để nước ở trạng thái lỏng và sự sống có cơ hội phát sinh. Nhưng vùng này cũng mang tính chất tương đối.

Vùng sự sống của Hệ Mặt trời có sao Kim, Trái đất và sao Hỏa nằm bên trong, nhưng 2 hành tinh gần chúng ta có vẻ khó lòng có sự sống hiện đại, trong khi một số mặt trăng của Sao Mộc, Sao Thổ như Europa, Enceladus nằm ngoài vùng sự sống thì lại có thể... đang có sự sống, theo các nghiên cứu từ NASA.

Theo Science Alert, nghiên cứu mới cho thấy Ross 508 b là một ứng cử viên tốt, nhất là khi các phép đo cho thấy bức xạ nó nhận được từ sao mẹ chỉ khoảng 1,4 lần bức xạ mà Trái đất nhận từ Mặt Trời - một mức vẫn chấp nhận được với sự sống, ngay cả các dạng sống thông thường trên Trái đất, nhất là nếu nó được bảo vệ bởi một bầu khí quyển phù hợp.

Cách đây vài năm, Ross 508 b đã được quan sát lần đầu cũng bởi Kính viễn vọng Subaru, với các dấu hiệu cho thấy nó là một siêu Trái đất. Tuy nhiên lúc đó khả năng sống được của nó bị bỏ qua, bởi các nhà khoa học nghĩ rằng một thế giới nhỏ hơn, kích cỡ như Trái đất sẽ dễ sống hơn.

Nghiên cứu mới của tiến sĩ Harakawa đã được công bố trực tuyến trên arXiv và chuẩn bị xuất bản chính thức trong số tới của tạp chí khoa học Publications of the Astronomical Society of Japan.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất