Phát hiện sinh vật hồi sinh sau 24.000 năm bị đóng băng

Một loài luân trùng đã hồi sinh và nhân bản vô tính thành công sau khi “ngủ đông” 24.000 năm trong băng vĩnh cửu ở vùng Siberia (Nga), theo báo cáo của các nhà khoa học Nga.

Ông Stas Malavin, nhà nghiên cứu tại Viện Hóa lý và Sinh học đất ở thành phố Pushchino, đồng tác giả của báo cáo, cho rằng phát hiện này làm dấy lên câu hỏi về cơ chế sinh vật đơn bào sử dụng để tồn tại lâu như vậy.

“Báo cáo của chúng tôi là một bằng chứng rõ ràng cho thấy sinh vật đa bào có thể tồn tại hàng vạn năm trong trạng thái ngủ đông, gần như không có sự trao đổi chất”, ông nói với AFP.


Hình ảnh một con luân trùng dưới kính hiển vi. (Ảnh: Guardian).

Sử dụng một giàn khoan, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu vật từ sông Alazeya ở vùng Bắc Cực. Nhờ phương pháp carbon, họ xác định tuổi của mẫu vật khoảng từ 23.960 đến 24.485.

Trước đó, các nhà khoa học đã tìm ra loài giun tròn có thể hồi sinh sau 30.000 năm ngủ đông. Rêu và một số loài thực vật cũng có khả năng tương tự.

“Chúng ta có thể lấy sinh vật này làm hình mẫu để nghiên cứu sự tồn tại trong trạng thái ngủ đông hay khô hạn trong nhóm sinh vật này, cũng như so sánh với các loài động vật khác như gấu nước hay giun tròn”, ông Malavin nói.

Luân trùng (còn được gọi là trùng bánh xe) là một ngành vi sinh vật đa bào, có chiều dài từ 0,1 đến 0,5 mm. Chúng thường sống trong nước ngọt, tuy một số loài sống trong nước mặn.

Tên gọi của luân trùng đến từ các búi lông mao quanh miệng chúng giống bánh xe đang quay. Luân trùng dùng các búi lông này để di chuyển và ăn uống, khi cơ quan này tạo ra dòng nước để cuốn thức ăn vào miệng. Chúng vừa có thể sinh sản hữu tính, vừa có thể sinh sản vô tính.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất