Phát hiện sinh vật lớn nhất trên Trái đất

Các nhà khoa học hôm thứ Tư đã công bố hóa thạch của một con cá voi được khai quật ở Peru có tên là Perucetus colossus sống cách đây khoảng 38-40 triệu năm - một sinh vật có cấu tạo hơi giống một con lợn biển và cân nặng vượt quá trọng lượng loài cá voi xanh - sinh vật nặng ký nhất Trái đất. Tên khoa học của nó có nghĩa là "cá voi khổng lồ của Peru".

"Đặc điểm chính của loài động vật này chắc chắn là trọng lượng cực lớn, điều này cho thấy quá trình tiến hóa có thể tạo ra những sinh vật có những đặc điểm vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta", nhà cổ sinh vật học Giovanni Bianucci thuộc Đại học Pisa ở Ý, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí tạp chí Nature cho biết.

Ước tính khối lượng tối thiểu của loài Perucetus là 85 tấn, còn cân nặng trung bình là 180 tấn. Cá thể cá voi xanh lớn nhất được biết đến nặng khoảng 190 tấn, với chiều dài 33,5m.

Trong khi đó, khủng long cổ dài Argentinosaurus sống cách đây khoảng 95 triệu năm ở Argentina và được xếp hạng là loài khủng long nặng nhất, ước tính nặng khoảng 76 tấn.


Phục dựng hình ảnh loài Perucetus.


Các nhà khoa học khai quật một hóa thạch đốt sống của loài Perucetus.

Hóa thạch của một cá thể Perucetus được khai quật ở sa mạc ven biển phía nam Peru - khu vực có nhiều hóa thạch cá voi - với 13 đốt sống, 4 xương sườn và 1 xương hông. Các nhà khảo cổ cho biết cấu trúc xương của loài này cực kỳ đặc và chắc. Đặc điểm này, được gọi là bệnh xơ cứng pachyosteosclerosis, không có ở các loài động vật biển có vú sống ngoài đại dương như cá voi, cá heo, nhưng lại có ở bộ bò biển.

Chỉ riêng khối lượng xương của nó đã được ước tính từ 5 đến 8 tấn, ít nhất gấp đôi so với cá voi xanh.

"Cơ thể mập mạp, cồng kềnh của nó có thể giống bò biển hơn là cá voi. Trong số những loài bò biển còn sống, do kích thước khổng lồ và lối sống có thể tương tự, Perucetus gợi nhớ đến loài bò biển Steller, được phát hiện vào năm 1741 và bị con người tiêu diệt một số ít nhiều năm sau", ông Bianucci nói.

Không tìm thấy xương sọ hoặc răng, khiến việc giải thích chế độ ăn uống và lối sống của Perucetus trở nên khó khăn hơn. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ Perucetus không phải là loài săn mồi tích cực mà là loài vật kiếm ăn gần đáy của vùng nước nông ven biển. Thức ăn của Perucetus có thể là động vật thân mềm và động vật giáp xác nhỏ ở đáy cát.

"Vì bộ xương nặng nề và rất có thể là cơ thể rất đồ sộ của nó, con vật này chắc chắn là loài bơi chậm. Đối với tôi, ở giai đoạn hiểu biết này của chúng ta, nó giống như một dạng người khổng lồ hiền lành, hơi giống một loài lợn biển có kích thước siêu lớn", nhà cổ sinh vật học Olivier Lambert thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ cho biết.

Cá voi đã tiến hóa hơn 50 triệu năm trước một chút từ động vật có vú sống trên cạn, có móng guốc, to bằng một con chó cỡ trung bình. Perucetus vẫn sở hữu các vết tích của chi sau.

Các đặc điểm của bộ xương cho thấy Perucetus có liên quan đến Basilosaurus, một loài cá voi khác có chiều dài tương tự nhưng nhỏ hơn. Tuy nhiên, Basilosaurus là một kẻ săn mồi với thân hình thuôn dài, bộ hàm khỏe và hàm răng lớn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất