Phát hiện thánh bùa bí ẩn 1.000 năm tuổi dưới bãi đậu xe ở Israel
Các nhà khảo cổ học ở Israel đã khai quật một bùa đất sét cầu bình an cực kỳ hiếm ở dưới một bãi đậu xe tại thành phố Jerusalem.
Thánh bùa được làm bằng đất sét, có niên đại từ thế kỷ 9 hoặc 10. Trên bùa có một lời nguyện cầu bằng tiếng Ả Rập mà các chuyên gia nói có thể được dùng để bảo vệ chủ nhân tên là Kareem. “Kareem tin tưởng vào Thánh Allah” và “Chúa tể của thế giới là Thánh Allah”, bản dịch của Tiến sĩ Nitzan Amitai-Preiss thuộc Trường quốc tế Rothberg tại Đại học Hebrew giải thích dòng chữ trên lá bùa.
Hình ảnh Thánh bùa được phát hiện ở Jerusalem. (Ảnh: Getty).
Bùa đất sét này được tìm thấy giữa sàn thạch cao trong quá trình khai quật một căn phòng nhỏ tại Bãi đỗ xe Givati trong Công viên Quốc gia Jerusalem Walls. Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc chắn rằng người ta cố ý chôn bùa dưới sàn nhà hay chỉ đơn giản là người đàn ông tên là Kareem, sống cách ngày nay cả ngàn năm đã vô tình đánh mất.
"Bởi vì bùa hộ mệnh này không có lỗ để luồn một sợi dây vào, chúng tôi có thể giả định rằng nó được đặt trong một mảnh đồ trang sức hoặc được đặt trong một số loại túi mang theo bên người", các nhà nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Nitzan Amitai-Preiss, cho biết tem làm bằng đá bán quý có chữ khắc tương tự là vật rất phổ biến từ thời Abbasid, nhưng loại bùa đất sét này, đặc biệt rất nhỏ, là một hiện vật khảo cổ tương đối hiếm hoi.
Theo Giáo sư Yuval Gadot thuộc Đại học Tel Aviv và Tiến sĩ Yiftah Shalev của Cơ quan cổ vật Israel: “Kích cỡ của vật thể, hình dạng của nó, và văn bản trên đó chỉ ra rằng Thánh bùa này dường như được sử dụng như một bùa hộ mệnh, ban phước lành và bảo vệ cho chủ nhân”.
Người Abbasids, được cho là có nguồn gốc từ chú của nhà tiên tri Mohammed là Al-Abbas ibn Abd al-Muttalib (566–653 CE), là vị vua thứ 3 sau thời Mohammed, và cai trị từ Baghdad trên một đế chế rộng lớn, từ thế kỷ thứ 8 đến 13.
Ở đỉnh cao, đế chế của họ trải dài từ Bắc Phi ở phía Tây, bao phủ Vùng Đất Thánh và toàn bộ Vịnh Ả Rập, đến Armenia, Turkestan và Afghanistan. Tại Israel, họ cai trị từ cuối thế kỷ thứ 8 đến cuối thế kỷ thứ 10.