Phát hiện thiên thạch chứa hợp kim siêu dẫn
Lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm thấy vật liệu siêu dẫn - chất dẫn điện không có điện trở - đến từ môi trường bên ngoài Trái Đất.
Thiên thạch Mund Mundillaillac chứa hợp kim siêu dẫn. (Ảnh: Phys).
Sau khi phân tích 15 mảnh vỡ từ sao chổi và tiểu hành tinh, các nhà nghiên cứu từ Đại học California, San Diego và Phòng thí nghiệm Brookhaven ở New York đã tìm thấy các hợp kim siêu dẫn bên trong hai thiên thạch, được đặt tên là Mund Mundillailla và GRA 95205. Phát hiện được công bố trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 23/3.
Bằng cách sử dụng kỹ thuật đo siêu nhạy bằng quang phổ, các nhà khoa học cho biết hai thiên thạch có rất nhiều pha của vật chất - vùng không gian mà ở đó vật liệu có các tính chất lý hóa đồng nhất. Nhóm nghiên cứu mô tả các pha này là hợp kim của chì, thiếc và indium (kim loại không kiềm mềm nhất). Chúng chỉ hoạt động như một chất siêu dẫn ở nhiệt độ khoảng 5K, tương đương -268°C, gần ngưỡng nhiệt độ lạnh nhất theo các quy tắc vật lý là -273,15°C.
"Các vật liệu siêu dẫn hiếm khi xuất hiện trong tự nhiên. Hợp kim được tìm thấy trong thiên thạch càng trở nên đặc biệt vì nó có nguồn gốc từ môi trường bên ngoài Trái đất", tác giả đầu tiên của nghiên cứu James Wampler từ Đại học California, San Diego nhấn mạnh.
Phát hiện này có thể tác động đến hiểu biết của chúng ta trong một số lĩnh vực như vật lý thiên văn, bởi các hạt siêu dẫn trong môi trường lạnh có thể liên quan đến sự hình thành của hành tinh, nguồn gốc của từ trường, hiệu ứng động lực, chuyển động của các hạt điện tích và hơn thế nữa.
- Vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao dựa trên nền sắt đầu tiên
- Phát minh ra vật liệu siêu dẫn nhỏ nhất thế giới