Phát hiện tổ trứng hiếm của loài rùa da lớn nhất thế giới

Các nhà bảo tồn tìm thấy tổ trứng đầu tiên của loài rùa da có nguy cơ tuyệt chủng sau hơn ba năm tại bờ biển Ecuador.

Rùa da hay rùa luýt (Dermochelys coriacea) có thể phát triển đến chiều dài 3m và nặng gần một tấn. Chúng là loài rùa biển lớn nhất và là loài bò sát lớn thứ tư còn tồn tại trên Trái Đất sau ba loài cá sấu.


Một cá thể rùa da trưởng thành bò lên bờ biển đẻ trứng. (Ảnh: AFP).

Bộ Môi trường Ecuador hôm 2/12 đã báo cáo phát hiện một tổ rùa da trên bờ biển Isla Corazón ở tỉnh Manabi và nhấn mạnh đây mới là tổ trứng thứ ba được tìm thấy tại nước nước này kể từ năm 2015.

Các nhà bảo tồn không biết chính xác có bao nhiêu quả trứng bên trong tổ nhưng ước tính chúng sẽ nở sau khoảng 60 ngày nữa. Một vành đai bảo vệ ngay lập tức được thiết lập xung quanh tổ và nhiệt kế cũng được lắp đặt để theo dõi quá trình ấp trứng.


Các nhà bảo tồn lắp đặt nhiệt kế tại tổ trứng rùa da mới được phát hiện. (Ảnh: Blend).

Rùa da hiện nằm trong nhóm động vật "sắp nguy cấp" và được các chuyên gia ở Đông Thái Bình Dương cảnh báo là có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Hai tổ trứng được phát hiện trước đó vào năm 2015 và 2017 đã không nở như dự tính, cho thấy chúng có tỷ lệ sinh sản thành công thấp.

"Nếu chúng ta có thể ấp nở tổ trứng mới này, đó sẽ là một sự kiện lịch sử vì loài này rất đặc biệt và dễ bị tổn thương", Paco Castro, Giám đốc Bộ Môi trường tại khu vực Isla Corazón, nhấn mạnh.

Rùa ra ngày nay phân bố chủ yếu tại vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và cận Bắc Cực ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng gần như chỉ ăn sứa và có thể lặn sâu tới 1.200m để săn mồi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất