Phát hiện tượng nữ thần tóc rắn Medusa 2.000 năm tuổi

Các nhà khảo cổ phát hiện đầu nữ thần tóc rắn Medusa bằng đá cẩm thạch tại tàn tích cổ 2.000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỹ.

Phát hiện tượng đầu nữ thần Medusa 2000 năm tuổi

Chiếc đầu cẩm thạch của Medusa, nữ thần có mái tóc đầy rắn, nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp với khả năng giết người chỉ bằng một ánh nhìn, được tìm thấy tại thành phố cổ đại Antiochia ad Cragnum, núi Cragnus, Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ.

Live Science hôm 20/10 cho hay, đầu đá Medusa không phải là phần rơi ra của tượng thần Medusa hoàn chỉnh, mà nhiều khả năng là phần kiến trúc gắn trên tường một tòa nhà, được các nhà khảo cổ đoán là ngôi đền nhỏ.


Đầu Medusa bằng cẩm thạch phát hiện tại tàn tích 2.000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Micheal Hoff, đại học Nebraska-Lincoln).

Truyền thuyết về Medusa

Văn bản đầu tiên nhắc tới Medusa và các chị em họ Gordon, đều là quái vật tóc rắn, là cuốn Thần phả (Theogony) của Hesiod. Theo tác giả cổ đại này, ba chị em Medusa là con của hai vị thần Phorcys và Ceto. Trong khi hai cô chị Sthenno và Euryale là bất tử, Medusa là người duy nhất có thể giết chết và cũng nổi tiếng nhất trong ba chị em.

Trong tác phẩm của mình, Hesiod kể về nguồn gốc của Medusa và cái chết của nữ thần tóc rắn này dưới tay Perseus, người anh hùng đầu tiên trong thần thoại Hy Lạp, song không mô tả cuộc đời Medusa. Những chi tiết sâu hơn về Perseus và Medusa có thể được tìm thấy trong cuốn Metamorphoses của nhà thơ Ovid.


Tác phẩm khắc họa Medusa của Caravaggio. (Ảnh: Wikimedia).

Trong tác phẩm này, Ovid mô tả Medusa ban đầu là một nữ tu nhan sắc yêu kiều. Mê đắm vẻ đẹp của Medusa, thần biển Poseidon đã cưỡng bức nàng ngay tại đền thờ nữ thần Athena. Vì tức giận, Athena hóa phép biến mái tóc bồng bềnh của Medusa thành những con rắn ngoe nguẩy đáng sợ, để bất cứ ai trực tiếp nhìn vào mắt Medusa sẽ ngay lập tức hóa đá.

Dù được nhắc tới như một quái vật dữ tợn, đầu Medusa vẫn được sử dụng làm bùa hộ mạng để xua quỷ dữ. Do đó, hình ảnh đầu Medusa thường xuất hiện trong nhiều đồ tạo tác của Hy Lạp và đế chế La Mã sau này như khiên chắn, áo giáp ngực, đồ khảm và các bức tượng. Nhiều đồng xu thời kỳ này ngoài hình ảnh Perseus giơ cao đầu Medusa trong tay còn có cả hình ảnh đầu ác thần tóc rắn ở mặt phải.

Thành phố cổ đại Antiochia Ad Cragum

Đầu Medusa bằng cẩm thạch là một phần trong kho tàng các di chỉ khai quật được tại tàn tích thành phố cổ đại Antiochia ad Cragum, do Antiochus IV Ephiphanes, một vị vua của đế chế Seleucid, xây dựng khoảng năm 170 trước Công nguyên.

"Tại đây vẫn còn lại dấu tích rõ ràng của những bồn tắm, một khu chợ, con đường có hàng cột cao và cổng vào, một nhà thờ Cơ đốc buổi ban đầu to lớn, các lăng mộ bề thế, một đền thờ cùng với các kiến trúc chưa xác định được", trang web của Dự án nghiên cứu khảo cổ Antiochia ad Cragum, triển khai từ năm 2004, mô tả.


Các nhà khảo cổ làm việc tại khu vực khảo cổ năm 2012. (Ảnh: Antiochia).

"Antiochia được nhắc tới trong nhiều tài liệu cổ như một trung tâm thương mại quan trọng của đế chế La Mã và dưới triều đại Byzantine, thành phố này được xem là cái nôi của một giáo khu Cơ đốc".

Micheal Hoff, đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ, chuyên gia về lịch sử nghệ thuật và giám đốc dự án khai quật cho hay, việc tìm thấy đầu nữ thần tóc rắn tại tàn tích thành phố cổ Antiochia ad Cragum là điều khá bất ngờ. Nguyên nhân là do Medusa thường được người Cơ đốc xem là ngẫu tượng ngoài đức tin. Bất cứ vật nào bị coi là ngoại giáo sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ lý do vì sao bức tượng đầu Medusa vẫn tồn tại tới ngày nay, bất chấp sự tàn phá này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất