Phát hiện viên thuốc thảo mộc 2000 năm tuổi

Các nhà khoa học đang cố gắng vén bức màn bí mật về một viên thuốc được tìm thấy trong một xác tàu đắm có niên đại cách đây 2.000 năm, trên thực tế viên thuốc này đã được bào chế từ những loại dược liệu thực vật khác nhau.


Xác con tàu cổ Relitto del Pozzino.

Và câu hỏi lớn nhất được đưa ra là: Liệu các thành phần của những viên thuốc cổ đại này có thể ứng dụng để chữa lành những căn bệnh thời hiện đại hay không ?. Có niên đại vào năm 130 trước Công Nguyên, con tàu cổ có tên là Relitto del Pozzino, đã bị đắm ở ngoài khơi của vùng biển Tuscany (Italia). Trong số những hiện vật nhân tạo được tìm thấy trên con tàu này vào năm 1989 là những chiếc tách bằng thủy tinh, một cái bình và những sản phẩm gốm sứ, tất cả được cho là có mặt trên con tàu khi nó rời khỏi lục địa phía Đông của Địa Trung Hải.

Trên con tàu đắm này có nhiều hiện vật liên quan đến y tế như: một cái tách đựng máu bằng đồng và 136 cái lọ đựng cây Hoàng Dương và các hộp thiếc. Bên trong của một trong những cái hộp thiếc này các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một vài viên dạng tròn, nhiều viên hầu hết khô ráo.

Theo ông Robert Fleischer, một nhà di truyền học tiến hoá làm việc tại Trung tâm Bảo tồn và Di truyền học tiến hoá Smithsonian ở Washington, D.C (Mỹ) phát biểu: “Những viên thuốc này có đường kính chưa đầy 1 inch và dầy khoảng 3,5 inch, đó là những dạng viên có chứa các thành phần thực vật được nén rất chặt. Thực vậy, bạn cần phải sử dụng một con dao mổ để cắt từng phần của viên thuốc. Mặt khác, bằng cách quan sát bằng kính hiển vi, chúng tôi đã thấy rõ các sợi thực vật trong viên thuốc. Có lẽ như viên thuốc không phải là một khối bột dược liệu nguyên chất”.
 
Bằng cách xét nghiệm theo trình tự ADN, nhà khảo cổ học Robert Fleischer đã xác định một số thành phần có trong những viên thuốc cổ đại này bao gồm: cà rốt, củ cải, mùi tây, cần tây, hành dại, bắp cải, cỏ linh lăng, gỗ sồi và hoa dâm bụt. Thành phần này cũng tương tự như một khám phá khảo cổ học mới được phát hiện gần đây ở Trung Quốc về một thứ cháo có lịch sử lên tới  2.400 năm trong đó chất nước súp cháo được tìm thấy bên trong một chiếc nồi được niêm phong kín.

Nhưng việc khám phá ra những viên thuốc trên con tàu đắm cổ đại là khám phá chưa từng có tiền lệ khi các vết tích khảo cổ là những loại dược thảo cổ đại và lần đầu tiên người ta tiến hành các công tác phân tích ADN trong cuộc nghiên cứu. Cho đến nay, những thứ mới được tìm thấy trong các viên thuốc cổ cũng đã được tìm thấy trong các thư tịch y học cổ đại, theo ông Alain Touwaide, giám đốc khoa học thuộc Viện Bảo tồn các truyền thống y học (IPMT) ở Washington, ông Alain nói: “Công việc chính của tôi là khám phá ra các thư tịch mới cũng như những thư tịch đã bị bỏ qua trong quá khứ về các phương pháp sử dụng dược thảo của tất cả các nền văn hoá phồn thịnh quanh khu vực Địa Trung Hải”.
 
Những khám phá gây sửng sốt

Ông Alain Touwaide, chuyên gia khảo cổ thực vật học - một trong những người đảm nhiệm việc phân tích các loài thực vật ngay từ các địa điểm khảo cổ học - đã có 35 năm sự nghiệp trong việc khám phá và xuất bản các thư tịch cổ đại từ khắp nơi trên thế giới. Ông Alain nói: “Chúng tôi đem những thư tịch này ra ánh sáng, không chỉ khơi dậy những hưng phấn tinh thần mang giá trị lịch sử, mà bởi vì chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi có những bằng chứng xác thực, rằng những thư tịch y học cổ đại này khá hữu ích trong việc nghiên cứu dược lý hiện đại. Khi tôi bắt đầu công việc của mình, những người trong giới học thuật đều nói rằng những thư tịch cổ đại trên là những tài liệu lang băm hoặc mang hiệu ứng an thần nào đó. Thậm chí các nhà sử học cũng chưa đưa ra ý kiến bình luận gì về vấn đề này”.

Ông Alain Touwaide nói rằng viên thuốc 2.000 năm tuổi chỉ là đỉnh của tảng băng chìm, ông nói: “Tôi có những dữ liệu khổng lồ và rằng tôi đang cố gắng để đón nhận tất cả những thông tin về các loài thực vật dùng để điều trị các triệu chứng bệnh lý”. Bằng cách áp dụng phân tích ADN đối với những viên thuốc cổ, Robert Fleischer đã ghi nhận về những sự khác biệt: “Điều làm chúng tôi sửng sốt là có nhiều thành phần trong mỗi viên thuốc, viên này có thành phần khác viên kia, do đó rất khó để nhận dạng được chúng. Có thể việc có nhiều thành phần thảo dược chỉ là một biện pháp làm tăng thêm hương vị cho một loại thuốc giúp người uống chúng không bị sốc”.
 
 Cả Robert FleischerAlain Touwaide hiện đang tiếp tục nghiên cứu về những viên thuốc cổ đại này, họ hy vọng rằng có thể xác định được mục đích sử dụng ban đầu của chúng. Alain Touwaide đưa ra giả thuyết: “Khi tôi đọc các thư tịch của mình thì mẫu số chung mà tôi nhận thấy thì những viên thuốc cổ trên đã được sử dụng để điều trị những trục trặc về hệ tiêu hoá. Từ đó, tôi đã hình thành ý tưởng rằng có thể những viên thuốc trên đã được dùng để điều trị bệnh lỵ cho người đi thuyền bè, và căn bệnh này khá phổ biến ở cánh thủy thủ”.

Cả Robert Fleischer và Alain Touwaide đều hy vọng rằng bằng việc nghiên cứu các tín hiệu về một mô hình mới trong việc nghiên cứu dược lý như những dạng thuốc viên vĩnh cửu dường như là vấn đề rất được quan tâm xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử và y học. Ông Robert Fleischer nói: “Chúng tôi biết có rất nhiều kiến thức truyền thống tồn tại ở các nền văn hoá và có nhiều nơi đã sử dụng và nó đã được chấp nhận trong các nền văn hoá hiện đại - những vị thuốc như Aspirin có thành phần hoạt động chính lại xuất phát từ vỏ của cây liễu. Vì vậy tôi nghĩ rằng sẽ rất có nhiều tiềm năng trong việc tìm hiểu các thành phần bổ ích trong những viên thuốc này – hoặc bằng việc kết hợp các vật liệu với nhau – mà thực sự đã chứng minh công hiệu của nó”.

Ông Alain Touwaide lên tiếng cảnh báo các nhà khoa học rằng: “Chúng tôi đã tìm thấy cách thức sử dụng các loại dược thảo đã bị bỏ quên lãng trong suốt một thời gian dài. Ý kiến cá nhân tôi là nếu các nền văn hoá cổ đại, đã trải qua hàng thế kỷ, đã tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giữ những thông tin này, chứng tỏ một điều rằng những viên thuốc trên thực sự hữu ích với cuộc sống chứ không phải là thứ đồ vô dụng”. Những hiện vật tìm thấy từ xác con tàu đắm Relitto del Pozzino hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Populonia ở Piombino (Italia).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất