Phát hiện xác ướp nữ 1500 tuổi tại Mông Cổ

Các nhà khảo cổ học tin rằng xác ướp tìm thấy ở dãy núi Altai (Mông Cổ) mới đây có niên đại từ 1500 năm trước, thuộc về một phụ nữ thường dân nhưng được tùy táng với nghi lễ trang trọng.

Đây có thể là ngôi mộ của người Duy Ngô Nhĩ hoàn chỉnh đầu tiên được tìm thấy tại Trung Á, với rất nhiều tài sản được tìm thấy bên trong mộ như lọ hoa, bát gỗ, trang phục cổ, yên ngựa, dây cương... "Nó có thể giúp chúng ta khám phá thêm rất nhiều điều về đời sống tại Mông Cổ tại thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, nhất là về mặt tín ngưỡng và tâm linh", các chuyên gia cho biết.


Các nhà khảo cổ đã tháo bỏ được lớp vỏ quấn quanh hai chân của xác ướp.

Do ý nghĩa của xác ướp như vậy nên giới khảo cổ đang tháo dỡ lớp vải bọc quanh xác ướp một cách vô cùng thận trọng. Cho tới thời điểm này, mới có một bàn tay và hai bàn chân lộ ra, cùng với đôi giày trông khá hiện đại.

"Xác ướp được tìm thấy ở độ cao 2803 mét so với mực nước biển nên được bảo tồn khá nguyên vẹn", nhà nghiên cứu B.Sukhbaatar từ Viện bảo tàng Khovd cho hay. "Người này không thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội khi ấy và chúng tôi tin đó là một phụ nữ, vì không tìm thấy cung tên trong mộ". Tất nhiên, thông tin chính xác và cụ thể hơn sẽ chỉ có được sau khi các nhà khảo cổ học tháo bỏ được toàn bộ lớp vải quấn quanh xác ướp.


Đồ đạc tìm thấy bên trong mộ.

Ngoài bình gốm, bát gỗ, người ta còn phát hiện thấy trong mộ những chiếc ấm bằng sắt, một bộ xương ngựa cùng với gối, một cái đầu cừu, một cái túi hành lý bên trong có nguyên vẹn phần lưng của con cừu và xương dê. Đây có lẽ là những vật dụng "hộ tống" người phụ nữ này trên hành trình sang thế giới bên kia, theo tín ngưỡng của người Duy Ngô Nhĩ cổ.

"Chúng tôi có thể thấy rõ là con ngựa đã được hiến tế theo chủ nhân. Đó là một con ngựa tầm 4-8 tuổi", học giả B.Sukhbaatar cho biết. "Chúng tôi cũng tìm thấy 4 chiếc áo khoác được làm từ chất liệu cotton".

Một phát hiện thú vị nữa là trang phục trong mộ không chỉ sử dụng lông cừu mà còn dùng cả lông lạc đà. Những đồ vật tùy táng trong mộ, cùng với kiểu dáng của những chiếc mũ tìm thấy là manh mối để họ suy đoán về niên đại.


Một chiếc túi thêu cho thấy trình độ thủ công thời đó.

"Ngôi mộ nằm sâu dưới mặt đất 3 mét. Các đồ vật chôn theo cho thấy người Duy Ngô Nhĩ xưa có trình độ chế tác rất lành nghề và khéo tay. Do đây chỉ là ngôi mộ của một người bình thường, ta có thể thấy rõ là trình độ thủ công thời ấy rất phát triển", các nhà khảo cổ kết luận.

Những người Duy Ngô Nhĩ đầu tiên sinh sống ở khu vực từ Trung Á đến Siberi từ thế kỷ thứ 6 trước CN. Tộc người này được nhắc đến lần đầu trong một cổ thư Trung Quốc, khi tài liệu này mô tả về cuộc sống dọc theo Con đường Tơ lụa. Người Duy Ngô Nhĩ có bảng chữ cái riêng, ngôn ngữ riêng và rất hay sử dụng biểu tượng hình sói cùng sắc xanh dương. Trên thực tế, một số học giả tin rằng từ Turquoise (Đá Ngọc lam) có nguồn gốc từ từ Turkish (người Duy Ngô Nhĩ).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất