Phát minh đơn giản làm nên đế chế Mông Cổ
Chiếc bàn đạp yên ngựa khiêm tốn là một phát minh thay đổi cuộc chơi làm thay đổi lịch sử.
Theo Arstechnica, khi Thiết Mộc Chân (Temüjin) xưng danh Thành Cát Tư Hãn năm 1206, bộ lạc Mông Cổ vừa được thống nhất, biệt lập tại khu vực Đông Bắc châu Á. Năm 1227 Thành Cát Tư Hãn qua đời, Mông Cổ lúc này đang hùng cứ tại khu bờ biển Thái Bình Dương và Biển Caspi. Đến năm 1241, Mông Cổ thôn tính Vienna (nay là Thủ đô nước Cộng hòa Áo) và là nỗi khiếp sợ của các nước Đông Âu trong suốt khoảng thời gian còn lại của thế kỷ.
Đế chế được cho là sở hữu thuộc địa liền kề lớn nhất trong lịch sử thế giới. Dường như để cản bước Mông Cổ chỉ có cách đặt dãy Himalaya ngăn giữa họ và nước mà họ nhắm tới. Nhiều nhà sử học cho rằng sức mạnh của đế chế này bắt nguồn từ một đổi mới kỹ thuật hết sức đơn giản: chiếc bàn đạp yên ngựa.
Người Mông Cổ đã giúp bàn đạp yên ngựa phát triển lên một tầm cao mới.
Không ai biết chiếc bàn đạp yên ngựa đầu tiên được phát minh khi nào nhưng vật dụng này mang lại lợi ích to lớn cho các chiến binh. Ngay cả những chiếc bàn đạp yên ngựa đơn giản nhất – dạng vòng da, có thể giúp các chiến binh ngồi trên lưng ngựa lâu hơn và vững hơn trong các trận chiến. Thành công quân sự của các chiến binh Cozak xưa được cho là nhờ sử dụng các bàn đạp bằng da khi cưỡi ngựa. Các chiến thắng của người Goth và người Hung cũng tương tự như vậy. Một số người cho rằng bàn đạp yên ngựa thậm chí đã làm thay đổi vai trò quyền lực ở khu vực châu Âu, từ bộ binh sang kỵ binh. Những kỵ binh này được nhà sử học Roman Johann Jarymowycz gọi là "xe tăng bọc thép" thời trung cổ.
Người Mông Cổ đã giúp bàn đạp yên ngựa phát triển lên một tầm cao mới. Các nhà sử học cho rằng, người Mông Cổ không chỉ sử dụng những chiếc bàn đạp yên ngựa bằng da, mà cả bằng kim loại. Năm 2016, các nhà khảo cổ học tại Trung tâm Di sản Văn hoá Mông Cổ đã khai quật phần mộ của một phụ nữ Mông Cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên. Ngoài giày da và một số y phục, người phụ nữ này được chôn cùng một chiếc yên ngựa và bàn đạp yên ngựa bằng kim loại mà theo mô tả, vẫn còn rất tốt.
Bàn đạp yên ngựa là vật dụng kim loại dày với phần đầu dạng tròn vồng lên để treo vào dây đeo yên ngựa và một phần đế tròn, phẳng rộng để người cưỡi ngựa để chân. Phần để chân phải thoải mái nhưng vẫn chắc chắn bởi người Mông Cổ đã sử dụng chúng để cưỡi ngựa vô cùng điêu luyện.
Cặp bàn đạp yên ngựa 1.100 năm tuổi này được tìm thấy trong phần mộ của người phụ nữ Mông Cổ vào năm 2016. Chúng được gia cố chắc chắn, đảm bảo sự linh hoạt cực tốt cho người cưỡi ngựa.
Một vị tướng của triều đại Tống (960-1279) miêu tả những người Mông Cổ đứng trên yên ngựa, với "phần lớn trọng lượng cơ thể dồn vào bắp chân, một phần nhỏ lực dồn xuống bàn chân và mắt cá chân". Bàn đạp giúp họ có thể ngồi thẳng và vững trên lưng ngựa cả trong tình huống hỗn loạn nhất. Các bàn đạp này được treo vào yên ngựa làm bằng gỗ, cao vồng lên ở phía trước và phía sau. Cùng với việc luyện tập không ngừng nghỉ trên lưng ngựa, những bộ yên này giúp người Mông Cổ ngồi vô cùng vững chãi. Người cưỡi có thể giữ cân bằng mà không dùng đến tay cả khi ngựa vặn vẹo, xoay chuyển hay cả khi bản thân người cưỡi cũng xoay chuyển trên lưng ngựa. Người cưỡi ngựa nhờ đó có thể linh hoạt dùng tay bắn tên theo bất kỳ hướng nào.
Tại thời điểm hầu hết quân đội giành chiến thắng chỉ bằng cách tiến lên phía trước thì người Mông Cổ có thể vừa tiến vừa rút lui trong trận chiến của mình. Khi giáp mặt đối thủ, kỵ binh Mông Cổ nhanh như gió tiến lên phía trước, bắn tên liên tục, dàn thế trận tấn công dữ dội. Khi cự ly với đối thủ chỉ còn khoảng vài mét, kỵ binh Mông Cổ quay lưng lại và rút nhanh.
Sức mạnh của chiến thuật rút lui
Sử gia Thomas Craughwell giải thích rằng với khả năng xoay trên yên ngựa, ngay cả khi rút lui, các kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên về phía sau nhắm vào kẻ thù. Bởi quân Mông Cổ liên tục tấn công và rút lui nên thế trận quân địch trở nên hỗn loạn. Marco Polo - người từng chứng kiến kỹ thuật tấn công của người Mông Cổ miêu tả: "Họ không để rơi vào tình thế giáp lá cà thường xuyên, mà liên tục cưỡi ngựa vòng vòng và bắn tên vào kẻ thù".
Nếu quân đội truyền thống được ví như xe tăng thì kỵ binh Mông Cổ là những phi công chiến đấu. Sự chủ động trong di chuyển giúp họ trở nên bất bại.
Minh họa trận chiến giữa Mông Cổ và Trung Quốc năm 1211 trong Sử tập Jami 'al-tawarikh của Rashid al-Din. Trong hình, người Mông Cổ đứng trên lưng ngựa khi chiến đấu.
Khi đối diện nguy cơ thất bại, binh sỹ Mông Cổ sẽ sử dụng chiến thuật tâm lý. Các kỵ binh sẽ xoay ngựa và giả vờ rút lui. Đối thủ mất cảnh giác thường sẽ đuổi theo, cho rằng phần thắng thế trận đang nghiêng về mình. Kỵ binh Mông Cổ sau đó sẽ quay lại, lừa "con mồi" đang say men chiến thắng đến gần. Tiếp đến, những xạ thủ Mông Cổ sẽ xông lên nã tên vào kẻ thù, các kỵ binh với áo giáp đầy đủ tấn công bằng thương, giáo. Lúc đó thì cuộc chiến coi như đã "xong".
Sự nổi lên của Đế chế Mông Cổ cho thấy cải tiến kỹ thuật đã tạo tiền đề cho phong cách chiến đấu mới mà quân đội lúc bấy giờ không thể kháng cự. Đế chế Mông Cổ với thuộc địa lớn nhất thế giới không hình thành chỉ nhờ có một yếu tố riêng lẻ nào. Hàng nghìn yếu tố khác nhau đã giúp Thành Cát Tư Hãn và các hậu duệ của ông chinh phạt phần lớn lục địa. Tuy nhiên, bàn đạp yên ngựa đóng một vai trò không thể thiếu trong các chiến thắng của Mông Cổ. Việc tạo ra chiếc bàn đạp yên ngựa hoàn hảo đã giúp người Mông Cổ, quân đội Mông Cổ có những vị thế quan trọng trong lịch sử.