Phát minh nhựa phân hủy sinh học mới không để lại vi nhựa
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại nhựa phân hủy sinh học không chứa vi nhựa. Nó vẫn có tính chất bền, đồng thời có thể tái chế hoàn toàn.
Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất của thời đại ngày nay. Bất chấp những nỗ lực tái chế hoặc xử lý một cách có trách nhiệm, những bãi rác khổng lồ trên đại dương vẫn tiếp tục gia tăng và vi nhựa xâm nhập ngày càng nhiều vào đồ ăn, nước đóng chai và thậm chí cả không khí chúng ta hít thở.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại nhựa phân hủy sinh học không chứa vi nhựa. Nó vẫn có tính chất bền, đồng thời có thể tái chế hoàn toàn.
Vi nhựa trong đại dương (Ảnh: dottedyeti/Adobe).
Vật liệu mới này có tên gọi alkyl SP2, là kết quả của thí nghiệm hóa học thông minh. Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Khoa học Vật chất mới nổi RIKEN đã tạo ra nó bằng cách liên kết hai monome với các cầu muối có thể đảo ngược.
Không như nhiều loại nhựa phân hủy sinh học khác không thể phân hủy trong môi trường có muối, alkyl SP2 có khả năng phân hủy hoàn toàn trong vòng vài giờ trong nước biển.
Khi được chôn lấp xuống đất, nó chỉ cần 10 ngày để phân hủy và còn để lại chất dinh dưỡng cho đất như ni-tơ và phốt pho. Hơn nữa, loại nhựa này không chứa vi nhựa nên không để lại bất kỳ độc tố nào.
Sự khác biệt rất giá trị của alkyl SP2 là tính linh hoạt và an toàn cho môi trường. Giống như nhựa dẻo thông thường, nó có thể được định hình lại ở nhiệt độ trên 120 độ C để phù hợp với các nhu cầu sử dụng khác nhau.
Thành phần của nó không độc hại và có nguồn gốc không phải từ dầu thô, khiến nó trở thành một lựa chọn xanh hơn so với nhựa thông thường. Tùy nhu cầu sử dụng, nhà sản xuất có thể điều chỉnh cấu trúc hóa học của vật liệu này để có độ cứng, mềm linh hoạt theo ý muốn.
Khi không thải ra vi nhựa, vật liệu mới này giải quyết được một nhược điểm đáng kể của nhựa hiện nay. Các thử nghiệm ban đầu với alkyl SP2 cho thấy nó cũng có thể được tái chế hiệu quả với hơn 80% thành phần có thể thu hồi bằng các quy trình đơn giản.
Mặc dù có tính ưu việt cao như vậy nhưng giá thành của loại nhựa này vẫn cao hơn nhựa thông thường. Bên cạnh đó, vì đặc điểm có thể phân hủy trong nước biển nên nó chưa phù hợp để sử dụng cho các thiết bị đánh bắt cá.
Như vậy vẫn chưa thể tuyên bố chúng ta đã "chiến thắng" trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, nhưng alkyl SP2 là một bước tiến đầy hy vọng. Bằng cách kết hợp điểm mạnh thân thiện với môi trường và khả năng tái chế cao, vật liệu này có thể mở đường cho một tương lai bền vững hơn.
- Nhựa phân hủy sinh học giúp giảm ô nhiễm môi trường
- Thứ người Việt ngồi ăn vỉa hè xong vứt đi, một startup chế thành loại sản phẩm "độc" bán đắt hàng
- Loại nhựa phân hủy trong nước biển nhanh hơn giấy