Phát minh phục vụ thời chiến nhưng lại cực thịnh hành khi hòa bình

Bạn sẽ bất ngờ khi biết được câu chuyện đằng sau những vật dụng hết sức quen thuộc hàng ngày đấy.

Người ta thường bảo: "Trong cái khó ló cái khôn". Trong sự gian khổ thiếu thốn của cuộc Thế chiến I, con người đã tạo ra những vật dụng đơn giản để giải quyết được những nhu cầu cấp thiết thời đó. Nhưng hóa ra, chúng vẫn được sử dụng đến tận bây giờ.

Sau đây là một vài câu chuyện về nguồn gốc của những vật dụng được phát minh một cách bất - đắc - dĩ nhưng lại rất quen thuộc đối với chúng ta.

1. Đèn phơi nắng


Nhờ phát minh này mà người ta hiểu được tầm quan trọng của Vitamin D trong ánh Mặt trời.

Vào thời chiến, điều kiện kinh tế nước Đức cực kì khó khăn, thức ăn lại khan hiếm. Đối với những gia đình nghèo, rất nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng và còi xương do thiếu vitamin D.

Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ Kurt Huldschinsky đã quyết định dùng đèn chiếu tia cực tím đối với các bệnh nhân nhí của mình. Sau một thời gian, xương của các em đã trở nên chắc khỏe hơn.

Thí nghiệm đã thành công và được lưu truyền rộng rãi trên khắp nước Đức và cả châu Âu. Ngoài ra, cũng nhờ phát minh này mà người ta hiểu được tầm quan trọng của Vitamin D trong ánh Mặt trời.

2. Xúc xích chay


Món Friedenswurst - xúc xích chay.

Như đã nói ở trên, vào thời chiến, thức ăn là thức vật phẩm cực kì khan hiếm ở Đức. Khi đó, Konrad Adenauer, thị trưởng thành phố Cologne đã nghĩ ra một loại bánh mì được làm từ bột, lúa mạch và bột bắp.

Sau một vài lần thử nghiệm, ông nhận thấy rằng đậu nành có thể thay thế cho thịt trong một số món ăn. Và thế là món "Friedenswurst" (tạm gọi là xúc xích chay) ra đời.

Người Đức không đòi hỏi một bằng sáng chế cho phát minh này bởi vì trên thực tế nó không phải là xúc xích. Tuy vậy, vào tháng 6/1918, vua George V của Anh đã trao bằng sáng chế cho Adenauer vì đã tạo ra loại thực phẩm tuyệt vời.

3. Trà túi lọc


Trà túi lọc ra đời từ ý tưởng đựng trà trong những túi nhỏ.

Thời điểm đầu thế kỷ 20, trà vẫn được vận chuyển trong những chiếc hộp gỗ nặng nề. Để giảm bớt chi phí, vào năm 1908 một thương gia người Mỹ tên Thomas Sullivan đã nảy ra một ý là sẽ đựng trà trong những túi vải nhỏ.

Người dân thời đó không hiểu túi bọc vải dùng để làm gì, nên họ cho luôn cả trà lẫn túi lọc vào trong tách và nhận ra như vậy thì tiện lợi hơn.

Cũng từ ý tưởng này mà ngày nay, trà được gói trong những túi lọc bằng giấy.

4. Khóa kéo (zipper)


Quân đội Mỹ đã chú ý đến phát minh này và liền sử dụng trong đồng phục và giày của họ.

Ý tưởng tạo ra một loại khóa có thể kéo đã xuất hiện từ những năm 1860, nhưng cho đến đầu thế kỷ 20 nó mới được may vào quần áo.

Gideon Sundback, trưởng bộ phận thiết kế của công ty Universal Fastener, đã sáng tạo ra một thứ mà ông gọi là "khóa không cần móc".

Quân đội Mỹ đã chú ý đến phát minh này và liền sử dụng trong đồng phục và giày của họ. Sau đó, các nhà thiết kế cũng bắt đầu dùng khóa kéo trong những bộ quần áo thường ngày.

5. Thép không gỉ


Trong thời chiến, thép không gỉ được dùng trong động cơ máy bay vì trọng lượng nhẹ hơn thép thường rất nhiều.

Trong suốt Thế chiến I, quân đội Anh đã tìm đến nhà luyện kim Harry Brearley để tạo ra một kim loại có thể chịu đựng được sức nóng mỗi khi khai hỏa.

Brearley bắt đầu thí nghiệm bằng cách thêm một vài nguyên tố khác nhau vào thép, nhưng tất cả các nỗ lực đều thất bại.

Tuy nhiên trong lúc nghiên cứu, ông mới chú ý rằng để đối phó với khí hậu ẩm ướt của Anh thì cần phải thêm chromium vào hỗn hợp, và thép không gỉ đã được sinh ra từ đó.

Trong thời chiến, nó được dùng trong động cơ máy bay vì trọng lượng nhẹ hơn thép thường rất nhiều. Khi chiến tranh kết thúc, thép không gỉ được ứng dụng trong đồ dùng nhà bếp, vật dụng y tế hay thậm chí là trang sức.

6. Băng vệ sinh


Băng vệ sinh thời chiến.

Khi Ernst Mahler và James Kimberly đến thăm những công ty sản xuất giấy ở Úc và Đức vào năm 1914, họ đã tìm thấy một vật liệu thấm hút tốt và rẻ hơn cotton. Cả hai mang chúng về Mỹ và đăng ký bằng sáng chế với tên Cellucotton.

Khi quân đội Mỹ tham chiến vào năm 1917, chúng được dùng để băng bó cho chiến sĩ ở tiền tuyến. Khi các y tá đã quen dần với Cellucotton, họ cũng nhận ra chúng có thể dùng cho một "mục đích" khác (mà chị em phụ nữ vẫn dùng như hiện nay).

Khoảng 2 năm sau khi chiến tranh kết thúc, công ty Kimberly – Clark đã chú ý đến cách mà y tá sử dụng băng vệ sinh, để rồi sau đó tạo ra một sản phẩm "đình đám" là Kotex.

Từ đó, băng vệ sinh được "nâng cấp", phát triển với nhiều mẫu mã, hình dáng và được chị em phụ nữ sử dụng cho đến ngày nay.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất