Phóng thành công tàu thăm dò cực Mặt trời

Tàu vũ trụ Solar Orbiter phóng từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida vào 11h03 ngày 10/2 (giờ Hà Nội), bắt đầu hành trình tiếp cận Mặt Trời.

Solar Orbiter là kết quả hợp tác chung giữa Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đánh dấu dự án đầu tiên cung cấp ảnh chụp cực bắc và nam của Mặt Trời, sử dụng bộ 6 thiết bị trên tàu. Việc thu thập hình ảnh về khu vực này rất quan trọng bởi dữ liệu sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về từ trường cực mạnh của ngôi sao và ảnh hưởng của nó tới Trái Đất.

Solar Orbiter sẽ mất khoảng hai năm để bay đến quỹ đạo hình elip quanh Mặt Trời. Lực hấp dẫn từ Trái Đất và sao Kim sẽ giúp tàu thoát khỏi mặt phẳng elip song song với xích đạo của Mặt Trời, nghiên cứu vùng cực của ngôi sao từ bên trên và bên dưới.

Chuyển động của Solar Orbiter tương tự tàu vũ trụ Ulysses, một dự án hợp tác khác giữa NASA và ESA phóng vào năm 1990 và cũng bay qua vùng cực của Mặt Trời. Ulysses hoàn thành ba vòng quanh Mặt Trời kết thúc nhiệm vụ vào năm 2009, nhưng tầm quan sát của tàu bị hạn chế do chụp hình từ xích đạo.

"Trước Solar Orbiter, tất cả thiết bị chụp ảnh Mặt Trời đều nằm trong mặt phẳng elip hoặc ở rất gần đó", Russell Howard, nhà khoa học vũ trụ ở Phòng thí nghiệm hải quân tại Washington, D.C, nhà nghiên cứu phụ trách phát triển một trong 10 thiết bị của Solar Orbiter, cho biết. "Giờ đây, chúng tôi có thể quan sát Mặt Trời từ trên xuống".

Tàu Solar Orbiter trang bị 10 thiết bị có thể ghi lại những quan sát về vành nhật hoa của Mặt Trời, hai cực và đĩa Mặt Trời. Tàu cũng có thể sử dụng các thiết bị đa dạng để đo từ trường và gió Mặt Trời, những dòng hạt năng lượng cao bắn từ ngôi sao ra khắp hệ.

Hiểu biết về từ trường và gió Mặt Trời có ý nghĩa lớn bởi chúng góp phần tạo ra thời tiết vũ trụ và tác động tới Trái Đất khi làm gián đoạn các hệ thống như định vị vệ tinh (GPS), ảnh hưởng tới liên lạc và thậm chí phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Từ trường của Mặt Trời lớn đến mức trải rộng qua cả sao Diêm Vương, mở đường cho gió Mặt Trời quét thẳng qua hệ.

Solar Orbiter sẽ hoạt động đồng thời với tàu thăm dò Parker của NASA đang quay quanh Mặt Trời trong dự án kéo dài 7 năm và vừa ghé sát ngôi sao lần thứ 4. Con tàu phóng vào tháng 8/2018 và tới cách Mặt Trời trong vòng 6,4 triệu km, trở thành tàu vũ trụ tới gần Mặt Trời nhất trong lịch sử. Tàu Parker đang theo dõi luồng năng lượng phía sau vành nhật hoa và gió Mặt Trời, xác định cấu trúc và khí động của plasma cùng từ trường, khám phá cơ chế giúp các hạt năng lượng tăng tốc và lưu chuyển, theo NASA.


Tàu Solar Orbiter có thời gian hoạt động kéo dài 7 năm.

Kết hợp với nhau, hai dự án có thể giúp khám phá những bí ẩn của Mặt Trời và cung cấp thêm nhiều dữ liệu cho các nhà nghiên cứu hơn là hoạt động độc lập. Parker có thể lấy mẫu hạt ở gần Mặt Trời trong khi Solar Orbiter sẽ bay xa hơn để quan sát rộng hơn. Đôi lúc, hai tàu vũ trụ sẽ bay thẳng hàng với nhau để đo từ trường hoặc gió Mặt Trời.

Tàu Solar Orbiter cũng có thời gian hoạt động kéo dài 7 năm và bay cách Mặt Trời 42 triệu km. Con tàu có thể chịu được sức nóng của Mặt Trời nhờ tấm chắn nhiệt bằng titan phủ canxi phosphate giúp phương tiện hoạt động ở mức nhiệt lên tới 521 độ C.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất