Phóng thành công vệ tinh đo độ mặn đại dương

Ủy ban Vũ trụ quốc gia Argentina (CONAE) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phóng thành công vệ tinh khoa học SAC-D Aquarius từ bệ phóng tại Lompoc thuộc bang California của Mỹ.

Trong thời gian ba năm hoạt động, SAC-D Aquarius sẽ liên tục quay quanh Trái Đất tại độ cao 657km.

Mỗi tuần, các thiết bị đặt trên vệ tinh sẽ đo độ mặn bề mặt của tất cả các đại dương, bao gồm cả những khu vực chưa bao giờ được đo lường. Dự kiến, trong vòng hai tháng, các thiết bị này sẽ cung cấp lượng thông tin về độ mặn nước biển nhiều hơn những gì ngành hải dương học thu thập được trong 125 năm qua.


Vệ tinh SAC-D Aquarius được phóng (Ảnh: Foxnews)

Đây là vệ tinh thế hệ thứ tư do công ty công nghệ quốc doanh của Argentina Invap phát triển kể từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhưng CONAE cho biết SAC-D là sản phẩm đầu tiên đạt đủ tiêu chuẩn của Kế hoạch không gian quốc gia Argentina 2004-2015.

Thiết bị khoa học quan trọng nhất đặt trên SAC-D là Aquarius do NASA cung cấp. Ngoài khả năng đo độ mặn, thiết bị này còn có thể đo màu sắc, nhiệt độ, gió, lượng mưa, độ bốc hơi của nước biển, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa các dòng hải lưu và chu kỳ hoạt động của các vùng nước biển toàn cầu.

Argentina đóng góp năm trong số bảy thiết bị gồm máy đo bức xạ và vi sóng (MWR) để đo lượng mưa và biến động gió trên bề mặt Trái Đất, một máy quay hồng ngoại (NIRST) để đo nhiệt độ, hệ thống thu thập dữ liệu có nhiệm vụ tổng hợp thông tin khí tượng và môi trường, modul thử nghiệm công nghệ có khả năng định vị (GPS) cũng như đo tốc độ góc vệ tinh phục vụ các nhiệm vụ trên vũ trụ, một máy quay có độ cảm ứng cao để đo độ sáng các đô thị, thông tin về bão và hiện tượng cực quang.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất