Phóng xạ ngoài trời ở Fukushima đạt mức kỷ lục
Công ty Điện lực Tokyo tuần qua cho biết mức độ phóng xạ ngoài trời ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo thông báo của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đây là mức độ phóng xạ ngoài trời kỷ lục từng được ghi nhận cho đến nay. Ban giám đốc của Fukushima và TEPCO phát hiện mức độ phóng xạ ở một ống dẫn nối giữa các tòa nhà chứa lò phản ứng và tại đường ống thông gió dài 120 m nằm ngoài trời.
Mức phóng xạ còn được ghi nhận ở 8 khu vực xung quanh đường ống dẫn, trong đó mức cao nhất ở hai nơi lên tới 25 Sievert/h và khoảng 15 Sievert/h. Sievert là đơn vị đo mức độ nhiễm phóng xạ vào cơ thể con người, lấy theo tên của nhà vật lý y khoa người Thụy Điển Rolf Sievert.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhìn từ trên cao. (Ảnh: Presstv)
Đây là mức phóng xạ kỷ lục được ghi nhận ở bên ngoài của các tòa nhà chứa lò phản ứng, có thể làm thiệt mạng một người tiếp xúc với phóng xạ trong vòng 20 phút. Mức phóng xạ trước đây từng được TEPCO đo được đạt mức 10 Sievert/giờ.
RT dẫn lời đại diện của TEPCO cho hay, các ống thông gió được sử dụng để dẫn khí phóng xạ sau thảm họa hạt nhân có thể vẫn còn chứa chất phóng xạ.
Khoảng 400 tấn nước nhiễm phóng xạ rò rỉ được sinh ra từ khu vực nhà máy hạt nhân. Nước nhiễm xạ xuất phát từ lượng nước ngầm được bơm vào nhà máy mỗi ngày để làm mát các lò phản ứng, sau khi hệ thống làm mát của nhà máy đã bị hỏng do sóng thần.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra đề xuất xả nước nhiễm phóng xạ ra biển sau khi làm giảm mức độ chất phóng xạ trong giới hạn cho phép.
Trận động đất và sóng thần lịch sử xảy ra vào tháng 3/11 tại Nhật Bản đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima, dẫn đến thảm họa rò rỉ ba lò phản ứng hạt nhân.